Video xuất hiện trên mạng xã hội ngày 8/10 cho thấy một số xe tăng T-62 và xe cứu kéo BTS-4A di chuyển trên một tuyến đường khi tham chiến ở Ukraine. Một số xe tăng T-62 lắp giáp mái phía trên tháp pháo, một chiếc T-62 và xe cứu kéo BTS-4A được phủ giáp lồng kín toàn bộ thân xe.
"Khi bọc giáp lồng kín chiếc T-62, lực lượng Nga đưa ra giả định có lẽ là chính xác rằng máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ mang theo chất nổ là mối đe dọa lớn nhất đối với mẫu xe tăng được chế tạo từ những năm 1960 này", biên tập viên David Axe của Forbes nhận định.
Nga từ giữa năm rút hàng trăm chiếc T-62 từ kho niêm cất để triển khai chúng tới Ukraine, nhằm bù đắp lượng xe tăng hiện đại bị tổn thất trong giai đoạn đầu chiến sự. Trong quá trình tham chiến, lính Nga liên tục tìm cách cải tiến những xe tăng đời cũ này để đối phó với mối đe dọa từ Ukraine.
UAV cỡ nhỏ rẻ tiền mang theo vài kg thuốc nổ trở thành mối đe dọa hàng đầu đối với xe tăng cùng phương tiện chiến đấu khác của cả Nga lẫn Ukraine. Do giáp của T-62 kém hơn nhiều mẫu xe tăng hiện đại, với vị trí dày nhất chỉ có sức chống chịu tương đương thép dày 240 mm, nên nguy cơ từ UAV với những mẫu xe tăng đời cũ này càng lớn.
Những chiếc UAV có giá khoảng 5.000 USD đã hạ gục hàng trăm xe tăng, thiết giáp và phương tiện cơ giới của hai bên, kể cả xe tăng chủ lực Leopard 2 và Challenger 2 mà Ukraine được phương Tây viện trợ.
Tuy nhiên, bình luận viên Axe cho rằng việc hàn khung thép kín thân xe và tháp pháo sẽ khiến xe tăng T-62 Nga mất đi khả năng cơ động quan trọng trên chiến trường. "Xe tăng tuyến đầu phải nhanh chóng di chuyển ra vào vị trí ẩn nấp để hỗ trợ các đợt tiến công hiệp đồng nhằm vào vị trí của đối phương", ông nói. "Lồng thép phủ kín xe sẽ cản trở điều này".
Lớp giáp lồng có kích thước gấp đôi xe tăng T-62 sẽ hạn chế khả năng ẩn nấp của xe, khiến chúng không thể chui vào các rặng cây trên chiến trường. Đây là lý do lực lượng hai bên thường tỏ ra thận trọng khi trang bị giáp lồng chống UAV cho xe tăng tuyến đầu.
Bởi vậy, lực lượng Nga nhiều khả năng chỉ có thể triển khai những chiếc T-62 này ở tuyến sau, đóng vai trò yểm trợ hỏa lực thay vì giao chiến trực diện với quân đội Ukraine.
Pháo chính 115 mm của T-62 có uy lực thấp hơn so với pháo 125 mm trên các mẫu xe tăng Nga hiện đại hơn. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể nâng nòng để tấn công mục tiêu cách khoảng 8 km, dù độ chính xác không quá cao. Lực lượng Nga gần đây cũng sử dụng xe tăng T-54/T-55 cho mục đích tương tự.
"Khoảng cách 8 km đặt T-62 nằm ngoài bán kính hoạt động của UAV cỡ nhỏ mang chất nổ thường gặp, song một đơn vị Nga vẫn lo ngại về mối đe dọa của phương tiện này", Axe cho biết. "Có thể kíp lái cho rằng nên tìm mọi cách để bảo vệ xe, trong đó có bọc giáp lồng, dù điều này khiến xe tăng trở nên cồng kềnh hơn".
Nguyễn Tiến (Theo Forbes)