Vào đúng 11 giờ ngày 11/11 hàng năm, một ban nhạc của hải quân Mỹ lại chơi khúc nhạc tưởng niệm trong lễ đặt hoa tại đài tưởng niệm chiến tranh, trong công viên Madison Square của New York. Đây chính là ngày người Mỹ hàng năm tưởng nhớ các cựu chiến binh đã ngã xuống trong các cuộc chiến, vốn ban đầu được gọi là Ngày đình chiến để kỷ niệm kết thúc Thế chiến I.
Theo The Daily Beast, tất cả bắt đầu từ năm 1918, khi người Pháp lúc đó nhất quyết lùi thời gian đình chiến muộn thêm 5 giờ 50 phút so với thời điểm ký kết, để Thế chiến I kết thúc vào một thời khắc đẹp, với ba số 11.
Thực chất thỏa thuận đình chiến được ký lúc 5h10 phút ngày 11/11/1918 và người Đức khi đó đề nghị chấm dứt ngay lập tức toàn bộ các hành động thù địch để tránh có thêm thương vong. Tuy nhiên, tư lệnh quân đội Pháp, nguyên soái chiến trường Ferdinand Foch khăng khăng rằng phải để tới 11h cùng ngày.
Hậu quả là có thêm 2.738 binh sĩ thiệt mạng. Trong đó, người Mỹ cuối cùng ngã xuống là Henry Gunther, 23 tuổi, từng là nhân viên ngân hàng tại Baltimore trước khi nhập ngũ.
Gunther trước đó bị giáng chức từ trung sĩ xuống binh nhì, do giới chức quân đội phát hiện anh này gửi thư cho bạn ở quê, phàn nàn về những khổ cực bên trong các chiến hào.
Là con trai của một gia đình nhập cư người Đức, Gunther sợ rằng vụ việc có thể khiến lòng trung thành của anh bị hoài nghi, vì vậy, Gunther nỗ lực đủ mọi cách để được nhận lại quân hàm cũ.
Vào buổi sáng mù sương ngày 11/11/1918, Gunther có vẻ đã nhận ra cơ hội trông đợi bấy lâu, khi đơn vị của anh gặp một cặp súng máy của quân Đức tại làng Chaumont-devant-Damillers, đông bắc nước Pháp.
"Theo như các đồng đội, Gunther đã suy tư rất nhiều về chuyện mình bị giáng chức, và trở nên bị ám ảnh với quyết tâm phải thể hiện mình trước các sĩ quan và đồng đội", James M. Cain, một phóng viên chiến trường và tác giả một số sách về chiến tranh cho biết.
"Đặc biệt, anh ấy sợ bị nghi là có tư tưởng cảm thông với người Đức. Trong các cuộc giao tranh sau khi Gunther bị giáng cấp, binh nhì gốc Đức này tích cực thể hiện sự sẵn sàng phơi mình trước mọi mối hiểm nguy".
Khi gặp súng máy của đối phương ngay trước thời điểm 11h, đơn vị của Gunther đã ẩn nấp. Thế nhưng, Gunther lại đứng dậy xông pha, mặc dù cấp trên yêu cầu anh giữ nguyên vị trí.
"Gunther chắc hẳn đã quá sốt sắng với mong muốn chứng tỏ mình, cho dù ở phút cuối cùng, rằng mình là một người dũng cảm và trung thành với nước Mỹ", Cain viết. "Khi người Đức thấy anh ấy tiến tới, họ đã vẫy tay về phía anh ta, gọi to anh ta bằng thứ tiếng Anh lơ lớ tốt nhất họ có thể nói được, để đề nghị anh lùi lại. Họ nói rằng chiến tranh đã kết thúc. Thế nhưng Gunther không hề chú ý tới họ, và tiếp tục bắn một hoặc hai phát đạn. Sau nhiều nỗ lực kêu gọi anh lùi lại, người Đức cuối cùng chĩa súng máy về phía anh ấy và nổ súng".
Và anh ngã xuống lúc 10h59 phút, ngày 11/11/1918. Khi đồng hồ chuyển sang 11h, những người Đức đã khênh xác Gunther về với đơn vị của anh.
Nhiều khả năng do bài viết của Cain trên tờ The Baltimore Sun, Gunther sau đó được truy phong quân hàm trung sĩ. Anh cũng được tặng Huân chương Chiến sỹ Vẻ vang Chữ thập.
Trong lễ mừng Ngày đình chiến sau đó, người Mỹ đã dành một phút mặc niệm để đánh dấu kết thúc chiến tranh. Thời khắc với ba số 11 đã có sức mạnh ghê gớm đến độ một số người thậm chí tranh luận rằng vị tư lệnh người Pháp không hoàn toàn vô lý với quyết định của mình.
Tuy vậy, khi nhiều năm trôi qua, hầu hết người Mỹ bỏ nghi thức mặc niệm. Nhiều bang sau đó chọn những ngày khác nhau trong tháng 10 để tri ân cựu chiến binh.
Năm 1971, chính phủ liên bang Mỹ quyết định chọn một ngày duy nhất cho sự kiện này, và ngày 25/10 trở thành ngày Cựu chiến binh. Dù vậy, 4 năm sau, quốc hội Mỹ một lần nữa chọn ngày 11/11, với hiệu lực từ năm 1978.
Hoàng Nguyên