Cuối tháng 6, trong nắng nóng 37 độ C ở Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội, 12 quân nhân Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam hành quân vào khu vực huấn luyện của đơn vị. Dưới sự hướng dẫn của ba giảng viên đến từ trường Sỹ quan Đặc công, những người lính chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan, Trung Phi, học cách sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt chốn rừng sâu, không được tiếp tế lương thực.
Khu rừng ẩm ướt nhiều muỗi. Thấy người đến, chúng thi nhau đốt vào những chỗ hở như cánh tay, mặt, bám vào lớp áo bên ngoài. Đại tá Lê Đại Dương (Chủ nhiệm Khoa Quân sự chung, trường Sỹ quan Đặc công, Phụ trách huấn luyện) hướng dẫn các thành viên hái lá cỏ lào chà xát, bôi vào những chỗ hở để tránh muỗi đốt. Ông cũng yêu cầu những người lính mũ nồi xanh đốt lửa để xua đuổi côn trùng.
Do ở trong rừng, không có diêm, bật lửa, các quân nhân phải tạo lửa bằng cách chà xát hai thanh nứa vào với nhau. "Sau khi đốt đống lửa, lấy lá ẩm chất lên, khói sẽ đuổi muỗi, côn trùng, thú dữ và giúp chế biến thức ăn", Đại tá Dương nói.
Chỉ với con dao đa năng, những người lính chia thành từng nhóm tìm thức ăn. Trung tá Vũ Thị Liên (Phòng công tác địa bàn, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) cùng năm thành viên vào rừng tìm các loại rau, củ, quả. Họ hái những loại cây quen thuộc như măng, rau sắng rừng, chuối xanh...
Đối với những loại cây lạ, để nhận biết có độc hay không, bộ đội hái thử, vò cho ra nước, rồi chà vào cổ tay, nếu bị phồng ngứa là loại rau rừng không ăn được.
"Những cây ăn được thông thường thân có vị đắng, chát, còn cây thân vị ngọt thì phải cảnh giác, loại bỏ ngay. Với những cây ăn được, chúng tôi cũng nếm thử một chút để xem cơ địa phản ứng thế nào trong vòng 15-20 phút, nếu không thấy phản ứng mới hái đem về chế biến", chị Liên nói.
Trung tá Vũ Thị Kim Oanh và bốn đồng đội khác có nhiệm vụ đi tìm nguồn nước. Họ chọn một điểm cao nhất trong rừng để quan sát cả khu vực và thảm thực vật xung quanh.
"Nếu có một khoảng xanh đậm đột biến thì chắc chắn đó là khu vực tụ thủy, vì cây muốn tốt thì phải có đủ nước. Còn nếu có một vạt mềm, đen chạy theo một hướng, khác hẳn những hướng khác, đó có thể là sông hoặc suối. Đi dọc sông, suối đó về phía hạ lưu sẽ có dân cư", Đại úy Lê Vinh Hoàng nhắc lại lý thuyết được dạy.
Bằng cách này, năm quân nhân đã băng rừng, tìm được một con suối lấy nước đem về. Họ cũng tranh thủ bắt cá, mò ốc bằng dụng cụ tự chế để cải thiện bữa trưa.
Các quân nhân mũ nồi xanh cũng được hướng dẫn cách tạo muối phòng trường hợp phải ở trong rừng dài ngày, như lấy than củi ngâm với nước, để lắng phần nước trong phía trên, vì trong than có một lượng muối nhất định. Những người lính còn có thể đốt cỏ tranh, lấy tro dùng thay muối.
Với kỹ năng xác định phương hướng, bài học thuộc lòng với các quân nhân "khi xác định trước mặt là hướng đông thì sau lưng sẽ là hướng tây, tay trái là hướng bắc còn tay phải là hướng nam". Do đó, họ phải tìm ra hướng đông bằng cách quan sát thân cây vì cây cối có xu hướng vươn về hướng mặt trời. Nếu cây rừng nghiêng đồng loạt về phía nào, hoặc rêu phong mọc phía nào trên thân cây cổ thụ thì đó sẽ là hướng đông.
Trong nhiệm vụ chiến đấu, để chống biệt kích, thám báo, các quân nhân học cách tìm nơi trú ẩn an toàn trong rừng, đào hầm bí mật, tổ chức cảnh giới...
* Hình ảnh bộ đội luyện kỹ năng sinh tồn trong rừng sâu
Sau một ngày huấn luyện trong rừng, Thiếu tá Nguyễn Huy Hùng (Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) cho biết, thực tiễn làm nhiệm vụ ở Phái bộ Liên Hợp Quốc sẽ có những tình huống bất ngờ như xe hỏng, thiên tai khiến người lính không thể cơ động được, thậm chí thất lạc đơn vị trong một thời gian nhất định.
"Trong khoảng thời gian đó, nếu không duy trì được các trang thiết bị và nhu yếu phẩm cần thiết, thì kinh nghiệm và kiến thức về kỹ năng sinh tồn được trang bị sẽ vô cùng hữu ích, quyết định đến khả năng sống sót của quân nhân", anh Hùng nói.