Trung tá Trần Đức Hưởng nhận quyết định của Chủ tịch nước đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại trụ sở Liên Hợp Quốc (New York), sáng 12/3. Anh là sĩ quan thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam trúng tuyển làm nhiệm vụ này.
Hành trang đến New York của trung tá Hưởng là kinh nghiệm thực tiễn và những thành tích anh đạt được trong thời gian công tác tại Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.
Tháng 7/2019, trung tá Hưởng - lúc này là quan sát viên Quân sự của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Phái bộ Nam Sudan (UNMISS), cùng đoàn tuần tra đến đặt vấn đề làm việc với thủ lĩnh Sư đoàn 2, quân Chính phủ Nam Sudan để thiết lập mối quan hệ. Trước đó đã có nhiều đoàn công tác của lực lượng gìn giữ hòa bình thực hiện nhiệm vụ này song đều bị từ chối. Nhóm của trung tá Hưởng không phải ngoại lệ. Xe của đoàn bị lính gác chặn lại với lời nhắn "các anh nên trở về vì chỉ huy của chúng tôi đang bận".
"Nếu mình trở về nghĩa là không hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong khi công việc của một quan sát viên quân sự là phải điều đình, thuyết phục và thiết lập cầu nối giữa Liên Hợp Quốc với quân Chính phủ và quân đối lập", nghĩ vậy nên trung tá Hưởng tiến lại gần, nhẹ nhàng trò chuyện với những người lính.
Anh giới thiệu mình là trung tá của Quân đội Nhân dân Việt Nam - một đất nước trải qua nhiều cuộc chiến, nên thấu hiểu những gì người dân Nam Sudan đang phải gánh chịu. "Tôi ở đây vì muốn hỗ trợ các bạn, muốn chứng kiến một Nam Sudan ổn định, hòa bình lâu dài. Và chúng tôi, những người lính gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc luôn công tâm, sẵn sàng làm cầu nối giữa quân Chính phủ và quân đối lập", anh nói.
Nghe đến hai chữ "Việt Nam", gương mặt lính gác từ từ giãn ra. Họ nói đã biết đến một Việt Nam anh hùng và những cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của người Việt. Vì vậy, họ sẽ giúp anh báo cáo về Sở chỉ huy. Khó khăn đầu tiên đã vượt qua, nhưng tình huống "cân não" thực sự đến sau cuộc gọi của lính gác.
"Muốn gặp chỉ huy chúng tôi, anh phải đi bộ 3 km và không được đưa theo lực lượng vũ trang bảo vệ", người lính nói với trung tá Hưởng.
Đoàn tuần tra có hai quan sát viên quân sự và 2 trung đội của Tiểu đoàn bảo vệ. Chỉ huy lực lượng bảo vệ không đồng ý với yêu cầu của Sư đoàn 2, quân Chính phủ vì đi bộ 3 km và không được mang theo lực lượng vũ trang hộ tống là "rất nguy hiểm". Người này đề nghị hủy bỏ chuyến tuần tra do không đảm bảo an ninh theo quy định của Liên Hợp Quốc.
Trung tá Hưởng lại nghĩ khác. Từ sự kiên quyết không gặp, họ đã đồng ý trò chuyện và ra điều kiện - đó là một thiện chí. Nếu họ có ý định tấn công thì sẽ phục kích bất chợt chứ không chờ mình vào căn cứ. Vì vậy, anh thuyết phục chỉ huy lực lượng bảo vệ cho hai quan sát viên thực hiện yêu cầu của phía bên kia.
"Quãng đường đi bộ 3 km, tôi tưởng tượng ra nhiều tình huống và cách giải quyết cho mỗi tình huống đó, kể cả xấu nhất. Nhưng khi gặp được Sư đoàn trưởng của Sư đoàn 2, quân Chính phủ thì mọi việc thật bất ngờ", anh Hưởng nói.
Khác với dự đoán, chỉ huy quân Chính phủ không đón đoàn công tác của Liên Hợp Quốc bằng súng đạn mà bằng tiếng cười sảng khoái. Ông nói "hai bạn rất dũng cảm. Các đoàn công tác trước, khi nghe điều kiện đi bộ từ chốt gác, không mang theo lực lượng hộ tống thì đều quay đầu".
Đáp lại, trung tá Hưởng nói "chúng tôi ở đây vì hòa bình, không vì chiến tranh nên không sợ. Mục đích của chúng tôi bảo vệ tính mạng, an toàn người dân nên càng không có lý do để sợ". Sau câu nói này, hai bên đã có cuộc trao đổi thân thiện, chia sẻ thông tin và bàn về việc thiết lập mối quan hệ, đảm bảo an ninh, an toàn ở thời điểm cận kề thành lập Chính phủ lâm thời hợp nhất Nam Sudan.
"Thông thường, cả quân Chính phủ và quân đối lập rất dị ứng, thậm chí cấm lực lượng gìn giữ hòa bình chụp ảnh, nhưng thật bất ngờ khi tôi đề nghị chụp ảnh chung làm kỷ niệm, ông chỉ huy đó đã đồng ý", trung tá Hưởng kể.
Nhiệm vụ hoàn thành và được Phái bộ UNMISS đánh giá rất cao đoàn tuần tra vì thông tin mang về từ Sư đoàn 2 - mảnh ghép cuối cùng của 10 Sư đoàn chủ lực quân Chính phủ Nam Sudan.
Do xung đột quân sự liên miên, cơ sở vật chất ở Nam Sudan rất khó khăn. Sau những cơn mưa lớn, đường sá nhão nhoét, lầy lội. Trong một lần đi tuần tra, tổ của trung tá Trần Đức Hưởng bị "kẹp giữa hai làn đạn" vì đường ngập.
"Trong khi đường về căn cứ bị chia cắt do nước lũ dâng cao, chúng tôi nhận được thông báo đang có cuộc giao tranh giữa quân Chính phủ và quân đội Mặt trận cứu nguy dân tộc ngay tại vùng mắc kẹt", trung tá Hưởng nhớ lại.
"Quan sát, đánh giá tình hình kịp thời nhưng phải đảm bảo an toàn" là lệnh của Chỉ huy Phái bộ gửi đến. Một trong những sứ mệnh của UNMISS là bảo vệ thường dân, nhưng không trực tiếp giao tranh với các phe phái vũ trang trừ những tình huống đặc biệt, chỉ quan sát và báo cáo.
Các quan sát viên quân sự cùng chỉ huy lực lượng bảo vệ hội ý. Lúc này khoảng 18h, trời đã sẩm tối. Theo chỉ đạo và quy tắc an toàn của UNMISS, các sĩ quan không tuần tra ban đêm. Vì vậy, tổ công tác quyết định chọn một địa điểm dừng chân, cách điểm xung đột khoảng 7 km đóng quân để bảo đảm an toàn. Khi hạ trại xong, lực lượng hộ tống triển khai đội hình bảo vệ 360 độ.
Khoảng 20h, đoàn xe bán tải chở quân Chính phủ đi ngang qua. Do nước lũ, họ cũng không thể đi tiếp. Trung tá Hưởng và đồng đội quyết định tiếp cận tìm hiểu thì được biết nhiều người lính của quân Chính phủ bị thương khi giao tranh với phiến quân. Trong 3 lính bị thương, có người trúng 3 viên đạn ở rìa ngực, đùi, hông, vết thương rất trầm trọng, trong khi họ không có thiết bị sơ cứu y tế.
Trung tá Trần Đức Hưởng không có thời gian do dự. Anh trao đổi với Chỉ huy lực lượng bảo vệ, đề nghị Quân y của Phái bộ đi cùng đoàn sơ cứu cho những người lính đang bị thương. "Cứu người là trên hết, không phân biệt thường dân, quân đối lập hay quân Chính phủ", anh giải thích.
Sau khoảng hai giờ băng bó, cầm máu cho thương binh, đến 22h, nước lũ bắt đầu rút nên xe chở thương binh quân Chính phủ quyết định tiếp tục hành trình.
"Hôm sau chúng tôi hành quân trở về đơn vị. Tôi và một đồng nghiệp qua Bệnh viện của Quân đội giải phóng nhân dân Nam Sudan hỏi thăm, được biết người lính bị thương nặng nhất đêm qua đã qua khỏi. Quyết định cứu thương của chúng tôi đêm hôm trước đã cải thiện rất nhiều mối quan hệ giữa quân Chính phủ và Phái bộ UNMISS", anh Hưởng cho hay.
Trung tá Trần Đức Hưởng trải qua hai năm làm sĩ quan Tham mưu Huấn luyện tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi (2016-2017), quan sát viên quân sự tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan (2018-2019).
Trên mỗi chặng đường công tác, những ngôi trường lúp xúp lợp tôn, lá rừng, xung quanh cắm gỗ trát đất cùng với các cháu học sinh quần áo rách rưới, đi chân đất khiến anh thấy ám ảnh.
Nhưng bất chấp những điều kiện khó khăn đó, những đôi mắt trẻ thơ vẫn ngời lên mong mỏi, khao khát được học chữ, học số. Mong muốn đem đến một chút niềm vui cho những đứa trẻ nơi đây, mỗi chuyến tuần tra anh Hưởng đều mang thêm sách, bút, bóng đá để tặng các em.
"Thời gian ở địa bàn đã cho tôi nhiều trải nghiệm, học hỏi được nhiều kiến thức, giúp tôi tự tin thi đỗ vào vị trí Sĩ quan tham mưu kế hoạch, Phòng Kế hoạch quân sự, Cục Hoạt động hòa bình, trụ sở Liên Hợp Quốc", anh nói và cho biết đã chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng để lên đường làm nhiệm vụ trong vài ngày tới.
Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ra đời từ năm 1948, là một cơ chế đặc biệt được Liên Hợp Quốc giao cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thành lập dưới hình thức các phái bộ nhằm giúp tạo điều kiện chấm dứt xung đột và xây dựng hòa bình, thông qua việc triển khai các lực lượng do các nước thành viên đóng góp đặt dưới sự chỉ huy, điều hành của Liên Hợp Quốc.
Từ tháng 6/2014 đến nay, Việt Nam đã cử 180 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.