Sự kiện được tổ chức trên đường Ellipse gần National Mall ở thủ đô Washington hôm 6/1, ngay trước cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol không chỉ nhằm phản đối thất bại của Trump, nhấn mạnh cáo buộc gian lận bầu cử, mà còn gây áp lực lên các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa khi đó đang họp để phê chuẩn kết quả cử tri đoàn.
"Họ cần chiến đấu cho Trump, bởi vì nếu không, tôi sẽ ở sân sau của họ trong vài tháng nữa", Don Jr nói thêm, đe dọa sẽ khiến những nghị sĩ Cộng hòa quay lưng với Trump phải đối mặt với thách thức từ các ứng viên ủng hộ cựu tổng thống trong bầu cử giữa kỳ. "Các ông các bà sẽ là số 0 chứ không phải là anh hùng, chúng tôi sẽ đến tính sổ".
Căng thẳng đó vẫn nguyên vẹn gần 7 tuần sau cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol, khi cuộc thăm dò của Đại học Suffolk-USA Today công bố hôm 21/2 cho thấy 46% cử tri đảng Cộng hòa sẵn sàng tham gia đảng mới nếu Trump thành lập.
Cuộc thăm dò này cũng cho thấy 85% số người được hỏi cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho tổng thống thứ 45 nếu ông tái tranh cử năm 2024, trong khi 80% nói rằng họ sẽ không bỏ phiếu cho bất kỳ nghị sĩ Cộng hòa nào ủng hộ việc luận tội ông tại Hạ viện. Thượng nghị sĩ Wyoming Liz Cheney, con gái của phó tổng thống Dick Cheney dưới thời George W. Bush, đã nhanh chóng hứng chịu cơn thịnh nộ từ phe ủng hộ Trump sau khi bỏ phiếu kết tội ông.
Cuộc khảo sát của Suffolk-USA Today cũng cho thấy một nửa số người được hỏi nói rằng họ mong muốn các nghị sĩ "trung thành hơn" với Trump, lập trường thể hiện họ không đồng tình với ngay cả lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell. Tuy ủng hộ tha bổng Trump, McConnell nhấn mạnh cựu tổng thống "vẫn phải chịu trách nhiệm thực tế và về mặt đạo đức đối với cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol".
Nhưng liệu cựu tổng thống có tận dụng sự ủng hộ mạnh mẽ mà ông vẫn duy trì để thành lập đảng bảo thủ của riêng mình, "sạch bóng" những người bất đồng quan điểm như Cheney, McConnell và Mitt Romney?
Maggie Haberman, phóng viên New York Times đã đưa tin nhiều về "chủ nghĩa Trump", tháng trước nói rằng Trump đã từ bỏ ý định này, sau khi cân nhắc nó như một biện pháp trả đũa những nghị sĩ Cộng hòa quay lưng với mình.
"Trump đã được thuyết phục không làm vậy, ông cũng bày tỏ rõ với mọi người rằng ông sẽ không theo đuổi ý tưởng đó", cô viết trên Twitter ngày 24/1, trích dẫn nguồn tin thân cận với Trump. "Cũng có một thực tế là không thể vừa đe dọa lập đảng mới vừa đe dọa hất cẳng một số nghị sĩ Cộng hòa trong các vòng bầu cử sơ bộ".
Cựu tổng thống chưa đưa ra bất kỳ điều gì chắc chắn về kế hoạch tương lai của mình nhưng đã ám chỉ với Newsmax vào tuần trước rằng ông có thể tranh cử năm 2024, đồng thời gợi ý rằng ông có thể mở mạng xã hội bảo thủ của riêng mình, sau khi bị Twitter cấm vĩnh viễn.
Ông dự kiến phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) ngày 28/2 và được cho là sẽ sử dụng nền tảng này để "phô diễn sức mạnh", nhắc nhở đảng viên Cộng hòa rằng ông vẫn có ảnh hưởng lớn, có thể cất nhắc hay hất cẳng một số người trong đảng, đồng thời có thể là ứng viên tổng thống 2024.
Phần lớn nghị sĩ Cộng hòa đã giữ im lặng về triển vọng của ông, mặc dù một số đồng minh như nhà lập pháp bang Florida Matt Gaetz đã nhiều lần khẳng định lòng trung thành, trong khi Steve Scalise, phó lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện vẫn từ chối thừa nhận rằng Biden đã đắc cử công bằng trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình cuối tuần trước.
Không chỉ khả năng Trump lập đảng mới được đưa ra, cũng có ý tưởng tương tự từ chiều ngược lại. Hơn 100 cựu quan chức đảng Cộng hòa được cho là đã họp để thảo luận ý tưởng thành lập một đảng trung hữu chống Trump vào tuần trước, sau khi một cuộc thăm dò từ Gallop cho thấy 62% người trưởng thành ở Mỹ tin rằng hai chính đảng hiện tại "đã làm việc tồi tệ khi đại diện cho người dân Mỹ và cần có đảng mới".
Tuy nhiên, trở ngại đối với bất kỳ ai thành lập đảng mới ở Mỹ là rất lớn, ngay cả với người nổi tiếng như Donald Trump, theo nhà phân tích bầu cử Geoffrey Skelley của FiveThirtyEight.
"Họ gặp khó khăn hơn trong việc huy động tiền, tìm tình nguyện viên, trả lương cho nhân viên và thu thập đủ chữ ký để xuất hiện trên lá phiếu so với những người thuộc đảng Dân chủ và Cộng hòa", ông nói. "Do những thách thức này, các đảng nhỏ gặp khó khăn hơn nhiều trong việc đưa tên mình lên lá phiếu, chưa nói đến giành chiến thắng".
Các chuyên gia nhấn mạnh việc thành lập một đảng mới là điều có thể làm được, nhưng sẽ mất rất nhiều công sức và các nhà tổ chức sẽ phải bắt đầu ngay từ bây giờ chứ không phải đợi đến bầu cử quốc hội năm 2022. "Có thể thiết lập đảng thứ ba và khiến nó thành công hay không? Được, nhưng quá trình cực kỳ khó khăn", Russ Verney, cố vấn chính trị từng là chủ tịch đảng Cải cách của ứng cử viên độc lập Ross Perot từ năm 1995 đến năm 1999, cho biết.
"Sự gắn bó chặt chẽ của cử tri với hai chính đảng hạn chế khả năng phát triển của đảng thứ ba. Mặc dù nhiều người nhận mình là cử tri độc lập, thực tế là cứ 10 người Mỹ thì có khoảng 9 người đồng tình với một trong hai chính đảng và điều đó đã diễn ra trong nhiều thập kỷ", Skelley nói thêm.
Trong lịch sử chính trị Mỹ hiện đại, đảng thứ ba gần như không tạo ra được tác động lớn. Các ứng viên từ đảng Tự do, được thành lập vào đầu những năm 1970, đã có mặt trong bầu cử tổng thống năm 2020 và 2016 nhưng chỉ giành được một phần rất nhỏ số phiếu bầu. Số phiếu cao nhất một ứng viên đảng Tự do từng đạt được là 3,27%.
Năm 1992, doanh nhân Mỹ Ross Perot đủ tiêu chuẩn để xuất hiện trên lá phiếu của tất cả 50 bang. Ông được mời lên sân khấu tranh luận với các ứng viên Bill Clinton và George H. W. Bush. Cuối cùng, Perot giành được gần 19% số phiếu bầu còn Clinton là người thắng chung cuộc. Tuy nhiên, năm 1996, trong lần tranh cử thứ hai, Perot chỉ giành được 8% số phiếu.
Việc thành lập đảng mới không chỉ đòi hỏi cá nhân có sức ảnh hưởng lớn, nguồn tài chính dồi dào và quảng bá rộng rãi mà còn cần nêu ra một "đại nghiệp" để hô hào cử tri, không chỉ đơn thuần là cái tôi bị tổn thương của một cựu lãnh đạo. John Kroger, chuyên gia từ Viện Aspen, cho rằng tâm trạng phẫn nộ của phong trào Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại hiện tại có thể không đủ để tạo ra một thế lực chính trị lâu dài.
"Đảng thứ ba giống như những con ong: đốt xong chúng sẽ chết", nhà sử học Richard Hofstadter nhận xét trong một cuốn sách năm 2011.
Phương Vũ (Theo Independent/Aljazeera)