Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Huyn-dong hôm 26/10 cảnh báo Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ "đáp trả với quy mô không gì sánh được" nếu Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ bảy. Tuy nhiên, không rõ những biện pháp nào sẽ được áp dụng và liệu chúng có khác biệt với những hành động của liên minh Mỹ - Hàn - Nhật trước đây hay không.
Các lệnh cấm vận nghiêm ngặt, áp lực ngoại giao và hoạt động phô diễn sức mạnh quân sự của các đồng minh suốt nhiều năm qua không thể ngăn Triều Tiên phát triển, mở rộng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng vươn tới toàn bộ lãnh thổ Mỹ.
Giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên đã hoàn thiện và đưa vũ khí hạt nhân vào biên chế, khiến các cuộc tập trận liên tục của liên minh Mỹ - Hàn hiện nay chỉ là hoạt động gây sức ép nhằm ngăn Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7 hay thực hiện thêm các vụ phóng tên lửa tầm xa.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup tuần trước nói rằng nỗ lực đối phó Triều Tiên nên chuyển từ ngăn chặn phát triển vũ khí hạt nhân sang kiềm chế, răn đe, không để Bình Nhưỡng sử dụng chúng.
"Chúng tôi dự kiến mở rộng quy mô chia sẻ dữ liệu tình báo, cũng như lên kế hoạch tác chiến và tổ chức tập trận", ông nói với các nghị sĩ quốc hội Hàn Quốc hồi tuần trước.
Một quan chức quốc phòng Hàn Quốc giấu tên nói rằng phát biểu này không có nghĩa là ông Lee ủng hộ ý tưởng công nhận Triều Tiên là cường quốc hạt nhân, mà là nhằm nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết của hoạt động ngăn Bình Nhưỡng triển khai loại vũ khí này.
"Ông Lee đang nói rõ suy nghĩ của các nhà lập pháp tại Seoul và Washington. Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn là mục tiêu lớn nhất, nhưng răn đe để Triều Tiên không dùng vũ khí hạt nhân là ưu tiên cao nhất hiện nay", Daniel Russel, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, nhận xét.
"Mỹ và Hàn Quốc đang phối hợp chặt chẽ trong nỗ lực theo đuổi phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi tiếp tục ưu tiên biện pháp ngoại giao, nhưng cũng tiếp tục củng cố khả năng răn đe và hạn chế tiến bộ trong chương trình vũ khí của Triều Tiên", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói khi được đề nghị bình luận về phát biểu của Bộ trưởng Lee.
Một số nhà phân tích nhận định các phát ngôn của ông Lee là dấu hiệu mới nhất cho thấy Washington và Seoul đang đối mặt với thực tế rằng Bình Nhưỡng đã trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, trọng tâm hiện nay của liên minh Mỹ - Hàn vẫn là răn đe, thay vì nỗ lực giảm thiểu nguy cơ, như đàm phán giới hạn số đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên và ngăn nước này phổ biến công nghệ nguyên tử.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel từ chối tiết lộ những biện pháp có thể được Washington áp dụng nếu Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7, nói rằng các lệnh trừng phạt và tập trận chung Mỹ - Hàn là công cụ được sử dụng để "buộc Triều Tiên chịu trách nhiệm".
Giới quan sát cho rằng nếu Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân, Nga và Trung Quốc có thể lên án, nhưng nhiều khả năng sẽ không ủng hộ Liên Hợp Quốc áp đặt thêm lệnh cấm vận vì cho rằng chúng không có tác dụng, chỉ gây tổn hại cho người dân Triều Tiên.
Triều Tiên sáng 2/11 phóng ít nhất 17 tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào vùng biển phía đông bán đảo, trong đó có một quả bay qua Giới tuyến phía Bắc (NLL), đường phân chia ranh giới trên biển giữa hai nước, một quả rơi ở khu vực ngoài khơi cách thành phố Sokcho của Hàn Quốc 57 km về phía đông nam.
Quân đội Hàn Quốc cho biết đây là lần đầu tiên kể từ khi hai miền ký thỏa thuận ngừng bắn năm 1953, một tên lửa của Triều Tiên rơi xuống gần lãnh hải của Hàn Quốc.
Động thái diễn ra sau khi quân đội Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu tập trận không quân Vigilant Storm với sự tham gia của hơn 240 máy bay, trong đó có tiêm kích tàng hình F-35. Lực lượng tham gia tập trận dự kiến thực hiện 1.600 lượt xuất kích, mức cao nhất trong hoạt động huấn luyện chung giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc.
Phát ngôn viên Patel bác bỏ thông tin cho rằng hoạt động tập trận Mỹ - Hàn làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Một cựu quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho hay các cuộc tập trận quy mô lớn giúp quân đội Mỹ - Hàn duy trì và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, nhưng các tuyên bố quyết liệt đi kèm có thể gây phản tác dụng.
"Liên minh Mỹ - Hàn tập trận liên tục vì muốn phát thông điệp dằn mặt Triều Tiên, nhưng điều này không hiệu quả", quan chức này nói, thêm rằng Washington - Seoul từng hạn chế công bố những thông tin như vậy trong những năm trước, để tạo điều kiện cho biện pháp ngoại giao.
"Những phát biểu hiện nay dường như đã đi quá xa. Một biện pháp giúp hạ nhiệt căng thẳng là Mỹ - Hàn hạn chế đưa ra các tuyên bố cứng rắn và chờ xem chúng có mang lại kết quả hay không", ông nói.
Vũ Anh (Theo Reuters)