"Tối qua, một nhóm của MINUSMA đã tới Kati trong khuôn khổ nhiệm vụ bảo vệ nhân quyền và tiếp cận được với tổng thống Ibrahim Boubacar Keita, cũng như những người bị bắt giam khác", phái bộ MINUSMA, nhóm phụ trách gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Mali hôm nay cho biết.
Kati là căn cứ quân sự ở ngoại ô thủ đô Bamako của Mali, nơi giam những người bị bắt trong cuộc đảo chính hôm 18/8 tại quốc gia Tây Phi đang chồng chất bất ổn. Cựu tổng thống Keita tuyên bố từ chức, đồng thời cho biết cả chính phủ và quốc hội Mali sẽ giải tán, sau khi ông cùng cựu thủ tướng Mali Boubou Cisse và nhiều quan chức chính phủ hàng đầu bị nhóm binh sĩ nổi dậy bắt.
Một thành viên giấu tên trong quân đội Mali cũng cho biết họ đã cho phép "một phái bộ nhân quyền của Liên Hợp Quốc" tới thăm toàn bộ 19 tù nhân tại Kati, bao gồm Keita và Cisse. Nguồn tin nói thêm rằng họ đã trả tự do cho cựu bộ trưởng kinh tế Abdoulaye Daffe và Sabane Mahalmoudou, thư ký riêng của Keita.
"Hai người đã được phóng thích. Vẫn còn 17 người ở Kati. Đây là bằng chứng cho thấy chúng tôi tôn trọng nhân quyền", nguồn tin cho hay. Lực lượng đảo chính tự xưng là Ủy ban Cứu quốc Nhân dân (CNSP), do đại tá Assimi Goita lãnh đạo, thông báo sẽ giám sát quá trình chuyển giao quyền lực chính trị và tổ chức bầu cử "vào một thời điểm thích hợp".
Cộng đồng Kinh tế Các nước Tây Phi (ECOWAS), Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu, Mỹ và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đều đã lên án cuộc đảo chính, yêu cầu trả tự do cho Keita cũng như những lãnh đạo chính phủ bị giam khác.
Đây là cuộc đảo chính thứ hai tại Mali trong vòng 8 năm, giáng một đòn mạnh mẽ vào quốc gia vốn đang vật lộn vì sự nổi dậy của các phiến quân Hồi giáo, nền kinh tế lao dốc, cùng nỗi tức giận sâu sắc của công chúng với chính phủ vì nạn tham nhũng tràn lan. Giới quan sát lo ngại nếu Mali chìm sâu hơn vào khủng hoảng, tác động sẽ vượt khỏi biên giới nước này và lan tới tận vùng duyên hải Tây Phi.
Ánh Ngọc (Theo AFP)