Điều khoản quy định thời hạn ngừng cấm vận vũ khí với Iran được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra trong Nghị quyết 2231, như một phần của Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), thỏa thuận được ký hồi năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức và Anh. Theo đó, Tehran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Từ năm 2006 đến 2010, Hội đồng Bảo an đã thông qua ba nghị quyết cấm xuất khẩu công nghệ liên quan tới hệ thống vận chuyển vũ khí hạt nhân tới Iran, cấm Iran xuất khẩu vũ khí, cũng như cấm các nước bán phần lớn các loại vũ khí thông thường cho quốc gia này.
"Cộng đồng quốc tế sẽ thấy thời gian này dài chừng nào cho đến khi Iran được cởi bỏ ràng buộc để tạo ra hỗn loạn mới, và chúng ta phải vạch ra chiến lược cần làm để ngăn điều đó xảy ra", Pompeo nói hôm qua trong cuộc họp tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York.
Pompeo cảnh báo rằng việc các lệnh cấm này hết hạn vào năm sau đồng nghĩa với việc lệnh cấm đi lại đối với các chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, vốn bị Mỹ coi là khủng bố, sẽ được dỡ bỏ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi JCPOA vào tháng 5/2018, đồng thời khôi phục các biện pháp cấm vận kinh tế với Iran, khiến căng thẳng trong quan hệ hai nước leo thang.
Washington đang theo đuổi "chiến dịch gây áp lực tối đa" nhằm buộc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân và các hoạt động quân sự. Iran đáp trả bằng cách ngừng tuân thủ một số điều khoản trong JCPOA và tuyên bố không đàm phán với Mỹ. Trong khi đó, các nước châu Âu đang nỗ lực tìm cách duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran, coi JCPOA là giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Ánh Ngọc (Theo AFP)