Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 khép lại với đêm bế mạc vào tối 5/12. Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đoạt bốn giải thưởng, trong đó có giải quan trọng nhất là Bông Sen Vàng - dành tôn vinh phim xuất sắc. Giải quan trọng ở hạng mục cá nhân được trao cho Victor Vũ với danh hiệu "Đạo diễn xuất sắc".
Tác phẩm chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh còn đoạt giải "Phim hay nhất do khán giả bình chọn" dành cho phim truyện dự thi. Trước khi đến với liên hoan, phim đã tạo được tiếng vang lớn, đạt doanh thu cao kỷ lục trong lịch sử điện ảnh nước nhà. Chính vì thế, chiến thắng của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là điều được nhiều người dự đoán từ trước. Từ buổi họp báo công bố khai mạc tuần liên hoan phim, một đại diện trong ban tổ chức không giấu được niềm tự hào khi dùng cách đặt tên phim để nói về sự kiện năm nay: "Tôi đã thấy liên hoan phim thành công".
So với những phim được nhà nước đặt hàng gần đây như Sống cùng lịch sử, Đường lên Điện Biên hay Long thành cầm giả ca, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là hiện tượng đáng mừng. Tác phẩm mở ra hướng lạc quan và tích cực hơn cho xu thế các phim có sự tham gia của nhà nước đã mở rộng đề tài, không chỉ xoay quanh chiến tranh, lịch sử.
Bộ phim đoạt giải Bông Sen Vàng có ngân sách gần 20 tỷ đồng - thuộc nhóm dự án điện ảnh đắt đỏ nhất trong nước. Vì thế, đạo diễn Victor Vũ chia sẻ: "Sự hợp tác giữa nhà nước và tư nhân trong điện ảnh là rất quan trọng, rất cần thiết, tạo nhiều điều kiện để các nhà làm phim có thể sản xuất tác phẩm kinh phí cao, chất lượng tốt...".
Tuy vậy, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là bộ phim hợp tác giữa nhà nước và tư nhân hiếm hoi đạt thành công thuyết phục về tính chuyên môn lẫn giá trị thương mại. Tại Liên hoan phim năm nay, giải thưởng vẫn chủ yếu dành cho phim nhà nước, như: Cuộc đời của Yến đoạt đến năm giải, Thầu Chín ở Xiêm được ba giải (trong đó còn có giải do Tổng cục Chính trị trao), các phim như Nhà tiên tri, Người trở về... đều được xướng danh. Xét về mặt phổ biến, các phim này đều chưa tiếp cận được số đông khán giả. Chưa kể, có những phim như Người trở về còn bị chê là khiên cưỡng trong kịch bản, đường dây câu chuyện. Vì thế, dù ban giám khảo có tiêu chí riêng để trao giải, khán giả vẫn chưa thấy được thuyết phục.
Nhiều phim đoạt giải mang chủ đề bị xem là quá cũ từ hình thức thể hiện đến nội dung: hậu chiến, số phận con người vùng nông thôn, nhân vật lịch sử... với một lối kể chuyện "an toàn", mượt mà, trơn tru.
Trong khi đó, các tác phẩm của tư nhân hướng về đề tài gai góc, phản ánh số phận, tâm tư đời sống tinh thần, tâm lý của con người trong xã hội hiện đại, với cách tiếp cận cho thấy nhiều sự hy sinh, tìm tòi và sáng tạo của cả êkíp như: Trúng số, Dịu dàng, Nước 2030, Đập cánh giữa không trung... Nhưng các phim này lại không được vinh danh hoặc được nhắc đến một cách khiêm tốn trong danh sách trao giải. Nước 2030 chỉ đoạt giải "Âm thanh xuất sắc" trong khi đó, tác phẩm này được nhận xét là xứng đáng được vinh danh ở khâu như: kịch bản, đạo diễn... Đập cánh giữa không trung cũng chỉ có diễn viên Thanh Duy được vinh danh ở hạng mục "Nam diễn viên phụ xuất sắc" dù đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp được giới chuyên môn đánh giá là một đạo diễn nữ giỏi, cá tính và quyết liệt với phim ảnh. Trúng số của Dustin Nguyễn cũng chọn phản ánh các vấn nạn xã hội theo một cách nhìn hài hước, hóm hỉnh mà không kém phần mạnh mẽ.
"Xét về tài năng, tay nghề, tâm huyết và công sức lao động của các đạo diễn, một giải vàng trao riêng cho Victo Vũ e hơi 'hẻo'. Đội ngũ ấy cần phải xếp hàng dài thêm nữa, gồm các tên tuổi: Nguyễn Phan Quang Bình, Nguyễn Hoàng Điệp, Lưu Trọng Ninh, Dustin Nguyễn, Bùi Tuấn Dũng, Đinh Tuấn Vũ...", nhà văn - đạo diễn Tô Hoàng nhận xét.
Vì vậy, một số người trong nghề nhận định, trong nỗ lực đổi mới, Liên hoan phim Việt Nam dường như vẫn tiếp tục bảo thủ, chưa cởi mở tiếp nhận tìm tòi, sáng tạo mới mẻ, do đó, đã "bỏ quên" nhiều nhân tố mới của làng điện ảnh nước nhà.
Phim tư nhân mạnh về số lượng nhưng vẫn lép vế, có thể do chưa đáp ứng được trọn vẹn tiêu chí chung: "Dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập" của Liên hoan phim đề ra. Việc 15 phim tư nhân bị xếp chung trong một "chiếu riêng" mang tên là Hạng mục Phim Toàn cảnh vẫn còn khiến vài người trong nghề cảm thấy chưa hòa vào cuộc vui chung.
Đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến của phim Cầu vồng không sắc chiếu ở hạng mục Toàn cảnh chia sẻ anh rất chạnh lòng khi nghe không ít đại biểu cao tuổi cho rằng nhiều phim tư nhân, nhất là được chiếu ở mục Toàn cảnh mùa liên hoan này gắn với danh từ "phim nhảm". "Thật sự tôi đoán họ còn chưa xem phim để biết phim nói về điều gì nên tôi chỉ xin mọi người đi xem để nhìn thấy những nỗ lực, cố gắng, còn hay dở như thế nào xem xong sẽ rõ" - đạo diễn nói.
Thoại Hà