Phim Nước 2030 của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh có suất chiếu miễn phí dành cho khán giả TP HCM vào hơn 21h ngày 3/12. Hoạt động chiếu phim này nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 đang diễn ra.
Dù được sắp lịch chiếu vào giờ khá trễ, bộ phim mang phong cách viễn tưởng của đạo diễn Việt kiều thu hút đông đảo khán giả đến xem. Sức chứa khán phòng rạp Galaxy của Nguyễn Du hơn 200 ghế đều chật kín người. Ban tổ chức phải sắp một hàng ghế phụ ở lối đi để tiếp nhận thêm người xem. Nhiều khán giả đến trễ hơn lịch chiếu thông báo đành phải ra về.
Có nhiều nguyên nhân để lý giải cho sức hút của bộ phim Nước 2030 với khán giả Sài Gòn. Trong số 20 phim tham gia tranh giải ở hạng mục Phim truyện điện ảnh năm nay, bộ phim đứng hẳn ở một dòng riêng về cách chọn đề tài phản ánh lẫn phong cách thể hiện.
Không thuộc dòng phim giải trí, cũng không chọn hướng đi theo lối thể hiện cuộc sống xã hội đương đại hoặc quay về chủ đề lịch sử, Nước 2030 vẽ ra một hướng nhìn ở tương lai với giả định: sự biến đổi khí hậu toàn cầu tác động mạnh lên môi trường sinh thái của miền Nam Việt Nam, từ đó tác động trực tiếp đến số phận của mỗi con người, nhất là người nông dân gắn bó với đồng ruộng.
Tuy bộ phim đã được thực hiện cách nay khá lâu (khoảng ba năm) và ra mắt từ năm 2013, đến nay phim vẫn có rất ít dịp đến với công chúng trong nước. Trong khi đó, Nước 2030 lại "chinh chiến" ở khá nhiều sự kiện liên hoan phim quốc tế và phòng chiếu trên thế giới, nhận được khá nhiều sự quan tâm của giới chuyên môn. Điều này gây tò mò cho khán giả trong nước. Và chỉ ở những dịp như Liên hoan Phim Việt Nam 2015, khán giả mới có cơ hội được thưởng thức phim ở rạp lớn cũng như giao lưu trực tiếp với đoàn phim.
Sau Mùa len trâu (2004) và Khi yêu đừng quay đầu lại (2010), khán giả mới có dịp tái ngộ Nguyễn Võ Nghiêm Minh - một đạo diễn Việt kiều đã tạo được dấu ấn tác giả riêng trong số ít tác phẩm điện ảnh của anh. Nhiều người chờ đợi sự sáng tạo, nguồn cảm hứng mới của anh qua việc khai thác những đề tài gai góc, tầm vóc từ cách nhìn của một đạo diễn luôn có nhiều tình cảm cho vùng đất Sài Gòn nói riêng và vùng Nam bộ nói chung.
Anh Nguyễn Long, một khán giả đến xem suất chiếu tối 3/12, cho biết, trong tất cả các suất chiếu phục vụ khán giả của mùa Liên hoan phim thứ 19 này, anh rất chờ đợi đến xem phim Nước 2030 để có dịp hiểu thêm về tác phẩm mới của đạo diễn Mùa len trâu - một phim anh rất yêu thích trước đây.
Tuy vậy, bộ phim gây nhiều phản ứng trái chiều cho người xem vào suất chiếu tối 3/12.
Nhiều người rất thích thú với cách đạo diễn chọn một đề tài khó và có tầm vóc bao quát như vấn đề biến đổi khí hậu để kể lại câu chuyện về cuộc sống tương lai của người Nam bộ.
Khi vùng rất nông nghiệp rộng lớn như các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị chìm trong biển nước mênh mông, con người phải sống lênh đênh trên nước mặn và thiếu nguồn nước ngọt sinh hoạt, tưới tiêu, trồng trọt. Điều này tác động trực tiếp đến từng thân phận, trong đó có các nhân vật gồm Sáo (diễn viên Quỳnh Hoa), Giang (diễn viên Quý Bình), Thi (diễn viên Thạch Kim Long) và chú Út (diễn viên Hoàng Phi). Đồng thời, với cách khắc họa của đạo diễn, hình ảnh biển nước cũng có thể được xem là một "nhân vật" trung tâm, chi phối nhiều cảm xúc và tình tiết phim.
Phim có nhiều cảnh ấn tượng về thị giác cũng như gợi nên nhiều suy nghĩ về lối sống của con người vùng sông nước. Ấn tượng nhất có thể là cảnh thủy táng - cảnh cuối phim - khi hai nhân vật chính trôi trong lòng biển nước giữa mênh mông những thành phố, làng mạc bị chôn vùi từ rất lâu và sau đó nằm trơ trọi trên một bãi cạn khi nước rút hết... Màu sắc, hình ảnh phim được khắc họa tạo nên một cảm xúc và ấn tượng về sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên.
Bên cạnh đó, nhiều khán giả lại cảm thấy chưa tiếp cận được Nước 2030 vì nhịp điệu dàn trải. "Đạo diễn hòa trộn nhiều thể loại như hình sự, lãng mạn, viễn tưởng vào bộ phim khiến tôi có cảm giác thể loại nào cũng chưa được làm tới mà chỉ lưng chừng. Từ đầu phim, khán giả đã nắm được thông điệp về vấn đề môi trường sống nhưng phim lại thiếu kịch tính và đường dây hấp dẫn để thuyết phục người xem hơn về sự tác động của thiên nhiên với cuộc đời mỗi con người", chị Hồng Nga - một khán giả - cho biết.
Không ít người cho rằng câu chuyện tình yêu được kể trong phim còn khá nhạt. Cảnh sex giữa hai diễn viên Thạch Kim Long và Quỳnh Hoa được miêu tả chưa đắt, chưa làm bật lên được ngụ ý đạo diễn về số phận con người.
Sau 108 phút phim, dù trời đã khuya, nhiều người vẫn nán lại để đặt câu hỏi giao lưu với đạo diễn và vài thành viên trong đoàn. Vấn đề được nhiều người quan tâm tìm hiểu là quá trình thực hiện bộ phim có bối cảnh đến hơn 70% là biển nước, sự nhập vai của các diễn viên, các yếu tố kỹ thuật để thực hiện tác phẩm viễn tưởng này. Thông điệp về môi trường sống của con người được đan cài trong câu chuyện về mối quan hệ tình yêu, tội ác cũng dược đề cập trong phần trao đổi.
Nguyễn Võ Nghiêm Minh đùa rằng sau bộ phim, anh và êkíp bảo nhau "chắc không ai dám làm thêm một bộ phim nào có liên quan đến bối cảnh trên nước nữa". Do các cảnh quay chủ yếu thực hiện trên ghe, xuồng, bè nổi... giữa đồng nước mênh mông, quá trình thực hiện diễn ra trong điều kiện hết sức khó khăn. Hầu như đoàn không thể trang bị các thiết bị kỹ thuật nặng, thay vào đó sáng tạo những dụng cụ hỗ trợ gọn, nhẹ mà vẫn tạo được hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, hình ảnh phù hợp cho màu sắc chung của phim cũng như tâm lý nhân vật.
Trước những chia sẻ của đạo diễn, khán giả Giáp Văn Út - sinh viên năm hai chuyên ngành quay phim của Đại học sân khấu Điện ảnh TP HCM - bày tỏ thích thú: "Tôi đọc thông tin về Nước 2030 đã lâu và đến giờ mới có dịp ngồi thưởng thức hết bộ phim. Tôi thích các góc quay sáng tạo của phim, nhất là cách đoàn phim tạo các màu sắc ánh sáng đối lập để khắc họa diễn tiến của câu chuyện. Thật bất ngờ khi đoàn chỉ dùng bình ắc quy để phát sáng mà có thể tạo hiệu ứng đẹp và sắc nét như thế", anh Út nói.
Khi được một khán giả đặt câu hỏi "Liệu có e ngại về việc bộ phim kén người xem", đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh cho biết: "Với phim Nước 2030, ngay từ đầu tôi đã xác định mình muốn làm một phim mang dấu ấn riêng và nhà sản xuất cũng đồng ý cùng tôi bắt tay thực hiện một phim như vậy. Dù biết sẽ có nhiều khó khăn khi thực hiện lẫn lúc mang bộ phim đến người xem, tôi tin vào khán giả Việt Nam. Hiện khán giả trong nước đã được tiếp cận với nhiều phim nước ngoài, do đó trình độ không thua kém bất kỳ khán giả nào trên thế giới".
Thoại Hà