Khi công bố trailer hồi tháng 5, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh lập tức trở thành hiện tượng được kỳ vọng bậc nhất của năm. Phim ra rạp trong sự ngóng đợi của hàng loạt người hâm mộ điện ảnh. Tác phẩm dệt nên câu chuyện tuổi thơ ấm áp ở miền quê nghèo khó của Việt Nam xa xưa bằng những khung hình mượt mà, sạch sẽ. Phim có diễn xuất ấn tượng của bộ ba diễn viên nhí và những lời thoại nhấn nhá dễ thương. Tuy nhiên, đây vẫn là một tác phẩm dành cho đại chúng với những yếu tố khiến cho mọi khán giả đều có thể hiểu và cảm nhận được, chứ không mang tính tác giả hay có những sáng tạo nghệ thuật đột phá.
Phiên bản điện ảnh thừa hưởng lối kể ý nhị, hòa nhiều mảng miếng vụn vặt thành một bức tranh tổng thể từ tiểu thuyết gốc. Toàn bộ tác phẩm là những mẩu chuyện rời rạc, không đầu không cuối về cuộc sống theo nhịp điệu chậm rãi của ba đứa nhỏ ở ngôi làng nghèo ven biển miền Trung Việt Nam cuối những năm 1980. Đặt câu chuyện vào bối cảnh quá khứ, phim tập hợp ký ức của người trưởng thành về ngày thơ bé xa xưa. Chúng hệt như những mảng miếng kỷ niệm tươi sáng về quá khứ u tối và nghèo khổ. Nơi ấy là những ngày cắp sách đến trường với khăn quàng đỏ bay phấp phới trong gió mùa thu. Nơi đó là những ngày thả diều trên sông, những hôm đi bắt ốc, những đợt lũ ngập trắng nhà, những mùa đói ăn cháo cầm hơi, những day dứt về tình anh em hay rung động giới tính đầu đời đầy trong trẻo.
Victor Vũ tỏ ra là một nhà làm phim có "chất" tâm lý tương hợp với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Anh cụ thể hóa được những hình dung sinh động trong những dòng văn mô tả nhẹ nhàng của tác giả thành những hình ảnh mượt mà. Sự kết hợp giữa chất văn êm đềm của Nguyễn Nhật Ánh và màu phim sạch sẽ của đạo diễn Việt kiều dệt nên một câu chuyện điện ảnh ấm áp, một tổ kén tuổi thơ dung dị của thế hệ 7x và 8x ở Việt Nam.
Mạch phim không đi theo logic nguyên nhân - kết quả, hướng tới mục tiêu cuối cụ thể, cũng không tăng kịch tính lên đỉnh điểm như thông thường. Thay vào đó, tác phẩm dịu dàng dẫn dắt người xem bằng nhịp điệu của cảm xúc. Những khuôn hình chảy trôi nhẹ nhàng như nhấn khán giả vào chuyến du hành về miền quá khứ. Theo cách này, phim tận dụng yếu tố không gian nhiều hơn là thời gian. Nhịp dựng chậm rãi của phim hệt như nhịp sống dung dị của nhân vật.
Hàng loạt khung hình toàn cảnh lột tả vẻ đẹp miền quê Việt Nam gây choáng ngợp với số đông khán giả. Từ đầu tới cuối, các khung hình góc rộng xử lý bằng máy quay flycam (thiết bị ghi hình bay trên cao và điều khiển được từ xa) đưa đến những bức tranh đồng quê miền Trung ngập màu xanh thiên nhiên với đồng lúa rì rào, những con lạch, con suối có trâu bò lướt qua hoặc những ghềnh đá ven biển. Lối quay phim di chuyển máy quay liên tiếp khiến người xem có cảm giác như được ngồi trên trực thăng ngắm cảnh Việt Nam từ trên cao. Những hình ảnh đẹp giống như trong chuyến du lịch đồng quê thanh khiết.
Lối xử lý hình ảnh này phảng phất những đúp quay trong các series phim khoa học về lịch sử tự nhiên của nhà làm phim tài liệu nổi tiếng thế giới David Attenborough hoặc lối quay phim chuyên nghiệp trong các tác phẩm tài liệu về động vật hoang dã của truyền hình BBC (Anh). Điểm mới mẻ này khiến hình ảnh Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh khác biệt với phần lớn phim Việt gần đây.
Phú Yên là một bối cảnh đắt giá bởi khu vực này ở giữa đồng quê, hai bên là rừng và biển. Nhờ vậy, không gian đa dạng này hợp thành bức tranh nhiều màu xanh của trời và lá cây, tạo cảm giác thanh khiết và trong trẻo. Ăn khớp nhuần nhị với bối cảnh giàu tính thiên nhiên này là lối phục trang ưa mắt có tông màu nhạt, về cơ bản là dễ chịu. Mọi trang phục các nhân vật mặc đều khá gọn gàng và ưa mắt, ăn khớp hài hòa với bối cảnh nền của phim. Ngoài ra, đạo diễn cũng khéo léo tận dụng tông màu nâu trầm trong đồ vật như nhà lá hoặc cánh cửa gỗ, tạo ra một không khí cổ điển rất hiệu quả. Nhạc phim có phần u hoài cũng khéo léo kết nối các yếu tố bối cảnh và phục trang vào nhau, hợp thành một bài ca êm đềm về quá khứ.
Cùng lối quay phim mượt mà tái hiện ký ức trong trẻo, phim có dàn diễn viên nhí diễn xuất trọn vẹn. Ba em nhỏ Thịnh Vinh, Thanh Mỹ và Trọng Khang đều mang nét tự nhiên, lột tả hết vẻ ngây thơ và trong sáng, hiền dịu của trẻ em nông thôn ngày cũ lên phim. Nếu như Thịnh Vinh tạo thiện cảm nhờ vẻ ngoài thanh tú và một tâm hồn nhạy cảm, Thanh Mỹ vào vai một cô bé hơi ngố một cách đáng yêu, trong người chất chứa những xúc cảm thầm lặng. Trọng Khang lại tạo ra vẻ khôn ngoan và láu cá cần thiết của một cậu em thương anh trai hết mình. Diễn xuất nhập vai của bộ ba em nhỏ khiến người xem yêu mến từng cử chỉ nhỏ nhặt hay mỗi lời thoại tự nhiên đong đầy cảm xúc.
Dù vậy, tính cách mọi nhân vật trong phim được khắc họa hơi yếu và không phải là nhân vật mạnh. Xuyên suốt tác phẩm, người xem yêu những đứa nhóc hiền dịu bởi tạo hình dễ thương, tâm hồn thơ trẻ, dung dị của chúng chứ không phải bởi tính cách. Cũng vì tâm lý nhân vật chưa được phát triển sâu, nhiều phân cảnh phim trở nên hơi cụt, thiếu đi cao trào. Câu chuyện do đó không có nhiều lớp lang đa nghĩa mà chỉ là những tích hợp cảm xúc. Ở nửa cuối phim, tác phẩm có phần hơi chùng xuống bởi nhà làm phim sa vào dẫn dắt thêm một câu chuyện mới, khiến mạch cảm xúc mỏng đi.
Ngoài câu chuyện về tuổi thơ ở Việt Nam, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh chưa nâng tầm lên mức tác phẩm nghệ thuật phổ quát. Phim đơn giản là một câu chuyện gia đình mang tính thư giãn với nhiều hồi ức đẹp, không đặt nặng phải có chiêm nghiệm, triết lý sâu xa.
Có ngân sách gần 20 tỷ đồng, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đánh dấu sự hợp tác thành công giữa Cục Điện Ảnh và các hãng phim tư nhân. Phim ra rạp toàn quốc từ ngày 2/10.
Trailer phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" |
|
Vũ Văn Việt