Không những là hai quốc gia giành được độc lập đầu tiên tại châu Mỹ, hành trình đấu tranh của Mỹ và Haiti còn có mối liên quan chặt chẽ. Những người đàn ông da màu tự do từ Saint Domingue, thuộc địa của Pháp trong giai đoạn 1659-1804, từng tham gia lực lượng viễn chinh Pháp hỗ trợ cuộc nổi dậy của các thuộc địa tại Mỹ chống lại đế quốc Anh.
Tuy nhiên, sau khi giành được độc lập vào năm 1776, hầu hết nước Mỹ lại tỏ ra kinh hãi khi chứng kiến những nô lệ tại Saint Domingue vùng lên đấu tranh với chủ nô. Sau hơn một thập kỷ đẫm máu, họ tuyên bố độc lập vào năm 1804. Nền cộng hòa non trẻ của Haiti ra đời.
Ngay cả khi Haiti tiếp tục truyền cảm hứng cho các cuộc nổi dậy lan xuống phía nam Mỹ Latinh, Mỹ vẫn chọn cách cô lập và phớt lờ quốc gia khá gần gũi về địa lý này. Đến năm 1862, chính phủ Mỹ mới chính thức công nhận Haiti là một quốc gia độc lập và có chủ quyền, trong khi Pháp công nhận nền độc lập của Haiti từ năm 1825, dù buộc quốc đảo Caribe này phải bồi thường cho các chủ đồn điền da trắng.
Bình luận viên Ishaan Tharoor của Washington Post phân tích rằng dưới góc nhìn của Mỹ, sự tồn tại của Haiti không chỉ là lời nhắc nhở về mối đe dọa nổi dậy tiềm tàng tại các bang theo chế độ nô lệ, mà còn là câu chuyện về tự do đi ngược với thuyết Khai sáng của những người lập quốc Mỹ, bao gồm nhiều người từng làm chủ nô.
"Các nhà triết học chính trị Mỹ ca ngợi cuộc cách mạng của nước này, nhưng lại chỉ trích cách mạng Haiti", Robert Taber, nhà sử học về Haiti tại Đại học Bang Fayetteville ở Bắc Carolina, cho hay, nói thêm rằng những định kiến của nhiều người Mỹ da trắng về Haiti nhuốm màu phân biệt chủng tộc và làm lu mờ sự thật lịch sử quan trọng.
Vài năm trước khi qua đời, Frederick Douglass, nhà hùng biện da màu vĩ đại theo chủ nghĩa bãi nô, có hai năm làm lãnh sự Mỹ tại Haiti. Năm 1893, trong bài phát biểu tại Hội chợ Thế giới ở thành phố Chicago, ông đã tôn vinh sức mạnh từ câu chuyện của quốc gia vùng Caribe.
"Chúng ta không nên lãng quên rằng tự do mà bạn và tôi được tận hưởng hôm nay phần lớn nhờ sự dũng cảm của những người Haiti da màu 90 năm trước. Không chỉ đấu tranh cho tự do của bản thân, họ còn đứng lên vì tự do của mọi người da màu trên thế giới", Douglass nói.
Tuy nhiên, những tổn thương mới lại hình thành giữa quan hệ hai nước trong vài thập kỷ sau đó. Mỹ đưa quân chiếm đóng Haiti từ năm 1915 đến 1934, giai đoạn được ví như sự hiện diện dai dẳng và tàn khốc của Mỹ tại Afghanistan hiện nay.
Lý do can thiệp quân sự được Mỹ đưa ra là hỗ trợ Haiti ổn định cuộc khủng hoảng sau vụ ám sát tổng thống vào thời điểm đó. Kể cả sau khi rút quân, ảnh hưởng của Mỹ ở Haiti vẫn tồn tại suốt phần còn lại của thế kỷ 20, với ba thập kỷ cai trị độc tài của cha con Francois Duvalier và Jean-Claude Duvalier (1957-1986).
"Nếu Haiti âm thầm chìm xuống vùng biển Caribe, hoặc dâng cao thêm 100 m, thì cũng không ảnh hưởng nhiều lắm đến lợi ích của chúng ta", Joe Biden phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình năm 1994, khi ông đang là một thượng nghị sĩ kỳ cựu.
Bình luận này được đưa ra trong bối cảnh Biden giải thích lý do ông dường như quan tâm hơn nhiều đến tình hình bán đảo Balkan, thay vì những rắc rối mà quốc đảo nhỏ bé ở "sân sau" của Mỹ đang phải đối mặt. Theo quan điểm của Biden lúc đó, cuộc chiến tại Bosnia mang tầm quan trọng về địa chính trị mà Haiti có thể không bao giờ nắm giữ, bất kể vị trí địa lý gần Mỹ hay nỗi đau khổ của người dân nước này.
Tuy nhiên, vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise tuần trước đã khiến tin tức về nước này được ưu tiên trên mặt báo toàn thế giới. Bản thân Biden cũng bày tỏ nỗi đau buồn và lên án "hành vi tàn ác này". Trong số các nghi phạm bị bắt cũng bao gồm ba công dân Mỹ gốc Haiti.
Vài tháng qua, những nhà quan sát Haiti tại Mỹ và một số nghị sĩ vốn đã thúc giục chính quyền mới của Biden quan tâm nhiều hơn đến quốc gia nghèo nhất Tây Bán cầu, nơi tình hình an ninh đang xấu dần và khủng hoảng hiến pháp đáng lo ngại. Bất chấp điều đó, Mỹ được cho là không có nhiều lựa chọn trong việc giúp đỡ Haiti thoát khỏi hỗn loạn.
Năm 2010, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton cảm thấy buộc phải công khai xin lỗi người dân Haiti vì đã buộc nước này giảm thuế nhập khẩu với nông sản Mỹ vào những năm 1990, động thái khiến nông dân Haiti điêu đứng.
"Đó có thể là điều tốt đối với một số nông dân của tôi ở Arkansas, nhưng không thích đáng. Mỗi ngày tôi đều phải sống với những suy nghĩ về hậu quả từ việc sản xuất lúa gạo thất bát tại Haiti, vì quyết định của tôi", Clinton phát biểu.
Giờ đây, thiếu lương thực chỉ là một trong hàng loạt mối lo ngại của người dân Haiti. Trước vụ ám sát Tổng thống Moise, đất nước cũng vốn chìm trong hỗn loạn vì khủng hoảng chính trị kéo dài, tham nhũng, thiên tai, dịch bệnh, bạo lực băng đảng.
Giữa lúc Covid-19 càn quét toàn cầu, nhiều nước đang gấp rút tiêm chủng để phòng chống đại dịch, Haiti là quốc gia duy nhất ở Tây Bán cầu chưa nhận được bất cứ liều vaccine nào.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)