Từ đầu tháng Chạp, cặp vợ chồng quê ở Thanh Hoá ở trọ sát bên nhà tôi đã chạy đôn chạy đáo chuẩn bị đổi tiền mới để mừng tuổi cho con cháu ở quê. Số tiền lên tới hơn chục triệu, khoảng hai tháng lương của cả vợ chồng. Tuy anh chị không nói thẳng, nhưng tôi hiểu đây là một áp lực tiền bạc lên cả hai.
Tết năm rồi, khi đến nhà của một người bạn chơi, tôi mừng tuổi cho đứa cháu của bạn. Số tiền không lớn, đứa bé vừa nhận được phong bao lì xì liền xé phăng ra xem, thấy tiền thấy ít bé có vẻ không hài lòng rồi vứt vỏ bao ngay trước mặt tôi rồi quay lưng chạy đi chơi.
Ngày xưa, người lớn lì xì cho trẻ con một số tiền không lớn chỉ tượng trưng, hàm ý mừng chúng lớn thêm một tuổi, và cầu chúc chúng luôn mạnh giỏi, khoẻ khoắn.
Ngày nay, phong tục mừng tuổi này có còn giữ được giá trị như xưa? Xin nói thẳng là không. Không những chẳng giữ được giá trị tốt đẹp như xưa mà tục lì xì còn bị biến tướng, gây bao cảnh dở khóc dở cười cho người lì xì lẫn cha mẹ của đứa trẻ được nhận lì xì.
Đứa bé lớn hơn, biết xài tiền hơn thì so sánh năm nay chú này cho ít hơn năm trước, cô kia cho nhiều hơn cô này. Người lớn thì thầm: mình mừng tuổi cho con họ nhiều vậy, mà họ mừng lại cho con mình ít quá, lỗ vốn mất rồi. Một sự tị nạnh ngầm như thế làm mất đi vẻ tự nhiên của cuộc vui ngày tết.
Để có một xã hội văn minh, tôi nghĩ nên trút bỏ gánh nặng tiền mừng tuổi ngày tết vì bọn trẻ thì chẳng biết được ý nghĩa của bao lì xì là lộc may mắn đầu năm, còn với người lớn thì đây là một áp lực, rào cản không nhỏ khi cuộc sống hàng ngày đã có quá nhiều thứ phải lo lắng, bận tâm.
Bảo Trần
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
>> Xem thêm: Nỗi lo tiền lì xì ngày Tết