Hàng năm cứ khoảng hai, ba tuần trước Tết là bạn bè, đồng nghiệp tôi nháo nhào hỏi thăm để nhờ vả đổi tiền mới để đem về quê lì xì. Người ít thì đổi 10 triệu, người nhiều có khi cả 50 triệu đồng. Người đổi được thì cảm ơn và hẹn năm sau đổi tiếp, người chưa đổi được thì tìm cách đổi.
Có lần, người quen của tôi nổi quạu: "Có ít lì xì ít, có nhiều lì xì nhiều, sao nhất thiết cứ phải những tờ 200 nghìn, 500 nghìn tiền mới?". Để giải đáp câu hỏi này, tôi đi "khảo sát" vài lượt người, thì nhận được câu trả lời chung, đại khái là: Bây giờ lì xì bèo lắm cũng 200 nghìn, rồi tới 500 nghìn đồng.
À, thì ra bây giờ tiền lì xì cũng phải lên giá theo mặt bằng chung. "Lì xì năm chục, một trăm còn khó coi chứ đừng nói mười nghìn, hai chục nghìn" - một người cho ý kiến thêm.
Ở một số bài viết, nhiều người chia sẻ chuyện trẻ con xé toạc phong bao lì xì tại chỗ rồi chê tiền ít. Vì quá xấu hổ nên rút kinh nghiệm những lần sau họ phải tăng tiền lì xì để cứu vãn sĩ diện, để không mang tiếng là keo kiệt, ky bo.
Tôi thấy vấn đề biến tướng của lì xì nằm ở người lớn, tức là cha mẹ và người cho lì xì chứ không nằm ở trẻ con. Trẻ con, có thói quen tò mò và so sánh: nhà này cao hơn nhà kia, cái cây màu xanh còn ông mặt trời màu đỏ... Vậy nên chuyện những cháu bé khám phá tiền lì xì ngay trước mặt khách, rồi chê ít nhiều nằm ở phụ huynh không dạy con cho đúng. Và hơn hết là sĩ diện của người đi lì xì.
Nhiều người không tỏ tường nguồn gốc của phong tục lì xì. Theo truyền thuyết ở Trung Quốc, ngày xưa có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu trẻ con đang ngủ ngon giấc khiến chúng giật mình khóc thét. Hôm sau, trẻ đau đầu, sốt cao làm các bậc cha mẹ không dám ngủ để canh phòng.
Có một cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi mới sinh được mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên đi chầu thiên đình, khi bay ngang nhà thì thấy con yêu quái rình mò trước nhà của cặp vợ chồng này. Biết trước cậu bé này sẽ gặp tai họa với yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền, ngày đêm túc trực bên bé.
Sau khi chú bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối con rồi đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối lóe lên những tia vàng sáng rực khiến nó kinh hoàng bỏ chạy. Hai vợ chồng vui mừng đem chuyện kể lại cho mọi người nghe.
Thấy việc lấy tiền bọc trong bao đỏ xua đuổi được yêu quái, giúp cho trẻ em mạnh khỏe an lành nên cứ Tết đến người ta lại bỏ tiền vào những phong bì đỏ cho trẻ em, trong tiếng Trung Quốc gọi là "lợi thị" có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn; sau được phiên âm là "lì xì" và nó dần dần trở thành phong tục tiền mừng tuổi hay còn gọi là lì xì đầu năm. Do đó, tiền lì xì là tiền đem lại cái may mắn, điều lành, điều tốt cho trẻ em dịp đầu năm.
Vậy, ý nghĩa cốt lõi của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện ý, ý nghĩa tốt đẹp từ hình ảnh phong bao màu đỏ may mắn hơn là số tiền nằm trong phong bao đó.
Chính vì sĩ diện mà nhiều người ngần ngại, xấu hổ khi lì xì ít tiền. Để rồi "anh lì xì con tôi 500 nghìn thì tôi cũng mừng lại 500 nghìn, nếu mừng ít hơn thì tôi mang tiếng là kiếm chác từ tiền mừng tuổi của con".
Nếu không giữ tiền lì xì của con, thì người lớn giải thích thế nào cho trẻ hiểu việc chỉ cần khoanh tay cúi đầu, miệng đọc lời chúc theo mẫu thì đã được cho tiền và rất nhiều tiền?
Tết là một dịp đặc biệt và cần được chúc mừng bằng nhiều cách khác nhau, nhưng chúng ta không nên quên về giá trị của tiền và sự phát triển của trẻ. Thay vào đó, gia đình có thể tìm kiếm các cách chúc mừng Tết khác nhau, chẳng hạn như truyền tải giá trị Tết qua các hoạt động gia đình, hoặc chia sẻ kinh nghiệm và truyền tải tình yêu và niềm vui cho trẻ thay vì tập trung quá nhiều vào việc lì xì tiền.
Tóm lại, lì xì tiền cho trẻ dịp Tết là một truyền thống tốt, nhưng cần được thực hiện một cách hợp lý và không quá quá nhiều, để trẻ có thể học được những bài học quan trọng về tiền và cách kiếm tiền.
Để có được điều này, người lớn hãy thôi sĩ diện.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.