47 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ngày 24/3 thông qua nghị quyết chỉ trích "việc sử dụng vũ lực không tương xứng", bao gồm việc các lực lượng vũ trang và cảnh sát Myanmar sử dụng "vũ lực gây chết người" ở nhiều nơi.
Nghị quyết được thông qua không cần bỏ phiếu, nhắc lại lời kêu gọi quân đội Myanmar khôi phục chế độ dân sự và trả tự do ngay lập tức cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.
Myanmar chỉ trích nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền LHQ, vốn do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất, gọi đây là "văn bản bị chính trị hóa, một chiều, thiếu tính công bằng, độc lập và không đáng tin cậy". Thứ trưởng Ngoại giao Myanmar Kyaw Myo Htut nói nghị quyết mang tính "xâm phạm và không chính xác".
Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền LHQ phần lớn lặp lại nghị quyết của phiên họp hồi tháng trước về tình hình ở Myanmar, lên án "cuộc đảo chính" và kêu gọi trả tự do cho những người bị bắt. Nghị quyết nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần có cái nhìn tổng quan hơn về tình hình thực địa tại Myanmar.
Nghị quyết kêu gọi Myanmar cấp "quyền tiếp cận lập tức, đầy đủ, không hạn chế và không bị giám sát"cho các quan sát viên độc lập, chuyên gia, nhân viên ngoại giao, truyền thông và đặc phái viên LHQ phụ trách vấn đề Myanmar Michelle Bachelet, đồng thời hối thúc bà thành lập văn phòng ở quốc gia Đông Nam Á.
Biểu tình nổ ra tại nhiều nơi ở Myanmar những tuần qua khiến lực lượng an ninh nước này sử dụng vũ lực để đẩy lùi. Bất chấp cộng đồng quốc tế, bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu và Liên Hợp Quốc lên án, tình trạng đổ máu vẫn tiếp diễn tại Myanmar.
Chính quyền quân sự Myanmar xác nhận 164 dân thường và 9 nhân viên lực lượng an ninh thiệt mạng trong các vụ đụng độ, khẳng định họ "không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trấn áp tình trạng vô chính phủ". Các tổ chức phi chính phủ cho biết hơn 260 người được xác nhận đã chết và hàng nghìn người bị bắt.
Phát ngôn viên Zaw Min Tun ngày 23/3 cho biết các cuộc biểu tình và bạo lực ở Myanmar "đang giảm dần", giới chức nước này sẽ tập trung vào các hành vi kích động và lực lượng an ninh "sẽ sử dụng vũ lực ít nhất có thể" nếu xảy ra bạo động. Ông cho biết chính phủ Myanmar lấy làm tiếc trước việc hơn 170 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ.
Giới chức Myanmar ngày 24/3 thả hơn 600 người bị bắt trong các cuộc biểu tình trước đó, song chưa xác nhận con số cụ thể. Những người này bị bắt vào ban đêm hoặc ra ngoài mua đồ và vi phạm thiết quân luật, một luật sư cho biết.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)