Hơn một năm sau khi các ca nhiễm nCoV lần đầu được phát hiện tại Trung Quốc, giới khoa học thế giới vẫn tiếp tục giải mã một số "bí ẩn" về đại dịch đã khiến gần 2,7 triệu người chết toàn cầu.
Nhóm nghiên cứu gồm 16 thành viên do Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hợp Quốc đã chỉ ra rằng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường diễn ra theo mùa, "đặc biệt giai đoạn thu đông tại các nước ôn đới với bệnh cảm và cúm do virus họ corona gây ra".
"Điều này đã thúc đẩy kỳ vọng rằng, nếu Covid-19 tồn tại trong nhiều năm, nó sẽ trở thành một loại bệnh theo mùa", nhóm nghiên cứu của Liên Hợp Quốc ra tuyên bố hôm 17/3.
Các mô hình nghiên cứu của nhóm 16 nhà khoa học cũng dự đoán nCoV, virus gây ra đại dịch Covid-19, "về lâu dài có thể lây lan theo mùa".
Tuy nhiên, việc ngăn cản Covid-19 lây lan chậm hơn hiện nay chủ yếu là nhờ vào các biện pháp như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại hơn là yếu tố thời tiết. Do đó, nhóm nghiên cứu của Liên Hợp Quốc cũng nhấn mạnh chỉ riêng điều kiện thời tiết và khí hậu không đủ để trở thành căn cứ cho quyết định nới lỏng hạn chế chống dịch.
"Ở giai đoạn này, các bằng chứng không ủng hộ cho việc sử dụng các yếu tố khí tượng và chất lượng không khí để làm cơ sở cho những quyết định nới hạn chế chống dịch của các chính phủ", nhà khoa học Ben Zaitchik tại Đại học John Hopkins, nhận định.
Zaitchik chỉ ra rằng trong thời điểm đại dịch Covid-19 mới xuất hiện, số ca nhiễm đã tăng mạnh ở một số khu vực trong thời tiết ấm áp và "không có bằng chứng nào cho thấy điều này không thể xảy ra một lần nữa".
Theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers, Covid-19 đã xuất hiện tại 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 121 triệu người nhiễm và gần 2,7 triệu người chết.
Ngọc Ánh (Theo AFP)