Trong phiên họp đặc biệt về Covid-19 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 3/12, ông Guterres ca ngợi tiến bộ khoa học của nhân loại, song cảnh báo tiêm chủng không phải liều thuốc tiên chữa bách bệnh.
Ông nhận định: "Chúng ta không nên tự đánh lừa bản thân. Một loại vaccine không thể phục hồi thế giới, tác hại của Covid-19 sẽ kéo dài trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ. Đói nghèo cùng cực đang gia tăng, nạn đói có nguy cơ hoành hành. Chúng ta phải đối mặt với cuộc suy thoái toàn cầu lớn nhất trong 8 thập kỷ".
Covid-19 đã giết chết 1,5 triệu người trên thế giới, làm trầm trọng thêm các thách thức dài hạn khác bao gồm bất bình đẳng và biến đổi khí hậu. Tổng thư ký LHQ nhắc lại lời kêu gọi trước đó, rằng vaccine nên được coi là "hàng hóa công cộng toàn cầu", được chia sẻ với thế giới.
Để đảm bảo phân phối vaccine công bằng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thành lập Chương trình Covax. Đến nay, hơn 180 nước đã tham gia. Tuy nhiên, hai cường quốc là Mỹ và Nga không nằm trong dự án.
Từ tháng 7, Mỹ khởi động tiến trình rút khỏi WHO, cho rằng tổ chức này đã thiên vị Trung Quốc trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng Covid-19. Ông Guterres mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ hoạt động của cơ quan y tế LHQ. Ông cho biết khuyến nghị của WHO "đáng ra phải là cơ sở cho phản ứng phối hợp toàn cầu".
"Trong một số tình huống, nhiều nước bác bỏ sự thật và không tuân thủ chỉ dẫn. Khi các nước tự đi theo con đường riêng, virus sẽ lây lan khắp nơi", ông nói.
Ngày 2/11, Anh đã phê duyệt khẩn cấp vaccine Covid-19 do hãng dược Pfizer sản xuất. Trước đó, Nga là nước đầu tiên trên thế giới chấp thuận vaccine Sputnik V của Viện Gamaleya. Trung Quốc cũng đã tiêm chủng cho khoảng một triệu người.
Đến nay, thế giới ghi nhận hơn 65 triệu ca nhiễm. Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm khoảng 178.000 người mắc Covid-19 và 5.779 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua.
Thục Linh (Theo AFP)