Phát biểu trong buổi họp báo ngày 30/11, Mike Ryan cho rằng giờ đây thế giới phải trả giá cho điều đó.
"Ở phía bắc, hệ thống y tế được xây dựng để đạt đến hiệu suất 90%, 98%, 100%. Nó gần giống mô hình của hãng hàng không giá rẻ", ông nói.
"Chúng ta đang phải trả giá bởi hệ thống không đủ năng lực dự trữ cho những tình huống đột biến - bởi đã coi y tế là nơi gây tốn kém chi phí, coi y tế là tiêu hao nguồn lực phát triển, là yếu tố kéo lùi nền kinh tế. Chúng ta phải giải quyết hệ quả của điều đó", Ryan nói thêm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo đại dịch có thể tiếp tục xảy đến trong tương lai nếu cộng đồng "lãng quên", không rút kinh nghiệm trong cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện tại. Mike Ryan phát biểu: "Tôi đã từng chứng kiến sự lãng quên của thế giới sau một sự kiện đau thương, điều này dễ hiểu".
"Nhưng nếu chúng ta làm như vậy một lần nữa, như sau dịch SARS, H5N1 hay H1N1, nếu tiếp tục phớt lờ thực tế về những mầm bệnh nguy hiểm mới nổi, chúng ta có thể trải qua điều tương tự hoặc thậm chí tệ hơn", ông nói thêm.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng kêu gọi các nước không chính trị hóa việc truy tìm nguồn gốc của nCoV, cho rằng điều này sẽ chỉ tạo rào cản trong việc điều tra sự thật. "Chúng ta cần biết khởi nguồn của virus bởi nó có thể giúp ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai. Không có gì cần phải che giấu, chúng tôi muốn biết nguồn gốc và chỉ vậy", ông nói.
Tính đến ngày 1/12, thế giới ghi nhận hơn 63 triệu ca nhiễm nCoV, hơn một triệu người tử vong. Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Nga đang là 4 vùng dịch lớn nhất. Một số bang và thành phố của Mỹ đã ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm với hy vọng ngăn chặn nCoV lây nhiễm tại các quán bar, bữa tiệc và các sự kiện về đêm.
Covid-19 cũng quay trở lại châu Âu, quét qua Pháp, Anh, Italy... Chính phủ các nước này tái áp đặt lệnh phong tỏa kể từ cuối tháng 10, đầu tháng 11. Đến nay, những cửa hàng không thiết yếu tại Pháp đã được mở cửa trở lại. Lệnh phong tỏa ở Anh dự kiến kết thúc ngày 2/12.
Thục Linh (Theo Reuters)