"Nga không tuân theo bất kỳ nguyên tắc thông thường nào", Itar Tass dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua phát biểu tại Helsinki, Phần Lan. "Vì thế, chúng ta buộc phải quyết định phối hợp hành động và áp dụng những lệnh trừng phạt về kinh tế đối với họ, cho dù điều này ảnh hưởng tới tất cả các nước trong khối".
Bà Merkel thêm rằng EU cần xây dựng những chính sách an ninh không nhằm đối chọi với Nga mà trái lại phải dựa trên hành động của nước này.
"Khi chiến tranh lạnh kết thúc và Liên Xô tan rã, chúng ta vẫn luôn coi Nga như một đối tác. Chúng ta đã cố gắng để hợp tác trong lĩnh vực kinh tế với họ. Chúng ta còn có mối quan hệ tương hỗ trong cung cấp năng lượng. Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi khi ta nhìn lại những sự kiện ở Georgia và đông Ukraine", bà Merkel nói.
Chuỗi lệnh trừng phạt từ phương Tây trước hết ảnh hưởng tới giới quan chức và một số công ty Nga bởi tài sản cũng như thị thực của những đối tượng này bị đóng băng sau khi Crimea sáp nhập vào Nga từ giữa tháng 3 năm ngoái.
Moscow liên tục nhấn mạnh cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea về việc tách khỏi Ukraine hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế và hiến chương Liên Hợp Quốc, đồng thời giống với một tiền lệ xảy ra vào năm 2008 khi Kosovo tách khỏi Serbia. Phương Tây và Kiev đều không thừa nhận tính hợp pháp của hành động này.
Phương Tây đưa ra những hạn chế mới với Nga từ cuối tháng 7/2014, cáo buộc Moscow hỗ trợ phe ly khai miền đông Ukraine, khiến căng thẳng gia tăng trong khu vực. Nga phủ nhận mọi cáo buộc. Để đáp lại, ngày 6/8/2014, Moscow áp dụng lệnh cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng như thịt bò, thịt lợn, gia cầm, cá, phô mai, hoa qua, rau, những sản phẩm từ sữa của Australia, EU, Mỹ và Na Uy.
Các lãnh đạo EU hôm 19/3 nhất trí kéo dài các lệnh trừng phạt Nga tới cuối năm 2015 và gắn chúng với việc thực thi toàn bộ thỏa thuận ngừng bắn Minsk ở Ukraine.
Vũ Hoàng