Trao đổi với VnExpress.net, ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, cho biết, nguồn vốn 1 tỷ USD sẽ dành cho các dự án được thẩm định là có tính khả thi, có khả năng sinh lời, hoặc các dự án có hiệu quả đang thực hiện nhưng thiếu vốn. Sau khi có Nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch kích cầu, dự kiến quá trình soạn thảo danh mục các nhóm dự án được phân bổ nguồn vốn sẽ khá nhanh. Nhiều khả năng nguồn vốn sẽ được tập trung giải ngân trong năm 2009, nhất là cho các dự án đang thực hiện nhưng thiếu vốn.
Gói kich cầu sẽ dành cho dự án cơ sở hạ tầng, nhà ở giá rẻ tại các khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung, và nhà ở cho học sinh sinh viên. Đây đều phải là các dự án đã hoàn tất khâu chuẩn bị, chỉ còn chờ vốn. Ngoài ra, cũng có thể xem xét các dự án điện mà EVN trả lại do không có vốn để thực hiện.
Số tiền 1 tỷ USD được huy động từ nguồn dự trữ và cho các doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi, có hoàn trả. Nguồn vốn sẽ được giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) quản lý và thẩm định các dự án trước khi quyết định có rót vốn hay không.
Theo số liệu thống kê, trong 11 tháng đầu năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng chậm. Kế hoạch kích cầu cũng sẽ nhằm tăng tiêu dùng tại thị trường trong nước. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tại phiên họp thường kỳ tháng 11 hôm 1-2/12, Chính phủ quyết định sử dụng 1 tỷ USD để kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Theo đó, nguồn vốn này sẽ phục vụ cho các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, điện, xi măng… Đối với tiêu dùng, Chính phủ thực hiện các biện pháp phát triển mạng lưới phân phối, hệ thống bán lẻ, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa để cung cấp các mặt hàng vật tư tiêu dùng thiết yếu.
Ngay sau khi được công bố, kế hoạch kích cầu đầu tư và tiêu dùng 1 tỷ USD thu hút sự chú ý của giới chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Giới chuyên gia có nhiều ý kiến xung quanh kế hoạch này, trong đó phần lớn ủng hộ việc kích cầu. Vấn đề còn lại là số tiền này sẽ được rót vào đâu và giải ngân như thế nào để có hiệu quả và tạo ra được động lực cho nền kinh tế.
Tại một cuộc tọa đàm về kinh tế vĩ mô mới đây, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm đưa ra gợi ý về 4 "địa chỉ" để kích cầu. Trong đó, ông nhấn mạnh vào hạ tầng, gồm cả đường bộ và bến cảng. Nhóm thứ hai là nhà ở cho người có thu nhập thấp. Cùng với đó là kích cầu tiêu dùng, trong đó đáng chú ý là lương của khu vực hành chính, doanh nghiệp. Cuối cùng, vị chuyên gia này đề xuất hỗ trợ nhóm dịch vụ ngân hàng, để các nhà băng có điều kiện tăng dịch vụ bán lẻ, cho vay vốn tiêu dùng. Từ đó, các doanh nghiệp bán lẻ có điều kiện dự trữ lưu thông để phân phối hàng, củng cố thị trường trong nước.
Tiến sĩ Võ Trí Thành (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) lưu ý đến việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vùng nông thôn. Tại cuộc tọa đàm này, ông Thành cũng bày tỏ sự ủng hộ giảm thuế cho các doanh nghiệp.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì nhấn mạnh đến sức cầu của thị trường. "Thời điểm hiện nay quan trọng nhất là sức cầu của thị trường, cần khôi phục sức cầu", ông Lộc nói. Hiện một số chuyên gia cũng nói tới khả năng thành lập quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng đáp ứng cuộc sống hằng ngày.
Về kích cầu tiêu dùng, ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, để kích thích tiêu thụ hàng hóa, thì giá cả phải giảm nhiều nhất có thể, đảm bảo lợi ích giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp. "Hiện khâu phân phối còn rất nhiều tầng trung gian, khiến giá bán hàng hóa bị đội lên rất nhiều. Điều này cần phải được giải quyết hợp lý thì kích cầu tiêu dùng mới hiệu quả", ông Xuân nói.
Ngay khi đã có danh mục dự án được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ kế hoạch kích cầu, điều được nhiều người quan tâm là việc giải ngân sẽ được thực hiện ra sao. TS Vũ Tiến Lộc bày tỏ, các biện pháp được đề xuất như giảm lãi suất, kích cầu đầu tư và giảm thuế cho doanh nghiệp sẽ có hiệu ứng tích cực, nhưng việc triển khai là vấn đề lớn.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, vướng mắc có khả năng vẫn là thủ tục hành chính. Vì thế, cần tháo gỡ các khâu đấu thầu dự án, từ từ "tháo ngòi" tình trạng đầu cơ trên thị trường bất động sản. "Đòi hỏi hiện nay là cụ thể hóa các chính sách, áp dụng rất nhanh và sát vào từng đối tượng. Nguồn vốn cần được dành cho các công trình có thể hoàn thành trong năm tới", ông Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh.
Cuối tháng này, Chính phủ sẽ có phiên họp thường kỳ mở rộng tại TP HCM và đưa ra Nghị quyết kinh tế - xã hội năm 2009. Dự kiến vào thời điểm này, kế hoạch chi tiết để giải ngân nguồn vốn 1 tỷ USD sẽ được công bố.
Ngọc Châu