-
12h22
Đoàn xe chở linh cữu thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Cục phó Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng); Phó chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, rời nhà tang lễ qua cửa Hậu. Đây là linh cữu cuối cùng rời đi.
Người dân Huế đứng hai bên đường nhìn các đoàn xe, nhiều người không cầm được nước mắt.
Nhiều người lội bộ hơn 100 m trong nước ngập để đến nhà trung tá Trần Minh Hải, Phó tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, đưa tiễn anh một đoạn đường.
Vợ anh Hải suy sụp tinh thần, được đồng đội của chồng cõng qua đoạn ngập nước.
Lực lượng làm nhiệm vụ chào tiễn biệt các liệt sĩ.
Công an, kiểm soát quân sự đã gỡ bỏ chốt chặn tại đầu cầu Bạch Yến, giao thông qua khu vực trở lại bình thường lúc 12h30.
-
11h30
Đoàn xe đưa linh cữu thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4, đi qua cửa Hậu của kinh thành Huế.
Ông sẽ được an táng tại quê nhà Quảng Bình.
-
11h20
Lễ di quan bắt đầu, linh cữu liệt sĩ được gia đình đưa về các địa phương.
Linh cữu được đưa ra khỏi khu vực tang lễ.
Đoàn xe hộ tống đưa các liệt sĩ trở về quê nhà.
Xe chở di ảnh thượng tá Bùi Phi Công, 42 tuổi, Phó Chủ nhiệm Hậu cần, Cục Hậu cần Quân khu 4.
-
10h40
Sau lễ tang gần bốn tiếng, Ban tổ chức đọc điếu văn tóm tắt bối cảnh hy sinh của 13 cán bộ, khẳng định "cứu giúp nhân dân là nhiệm vụ chiến đấu của bộ đội trong thời bình, là mệnh lệnh từ trái tim của người lính". 13 liệt sĩ hy sinh là sự mất mát vô cùng to lớn của quân đội, của chính quyền Thừa Thiên Huế, gia đình và của nhân dân.
Điểm lại quá trình công tác của 13 cán bộ, Tư lệnh quân khu 4, Trung tướng Đỗ Doãn Anh khẳng định, những hoài bão trong sự nghiệp và ý nguyện trong cuộc sống của các liệt sĩ sẽ được tiếp tục thực hiện bằng sự nỗ lực cao nhất của tất cả chiến sĩ và nhân dân. "Với mệnh lệnh từ trái tim, các anh luôn sẵn sàng có mặt ở nơi hiểm nguy để cứu giúp nhân dân, thể hiện sâu sắc phẩm chất sáng ngời và bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ".
Nhạc Hồn tử sĩ vang lên, lễ truy điệu bắt đầu lúc 11h10.
Ông Nguyễn Văn Quận, đại diện thân nhân các gia đình phát biểu, gửi lời cảm ơn sâu sắc tới toàn bộ lãnh đạo, chiến sĩ, cùng nhân dân có mặt trong tang lễ.
-
10h15
Ban tổ chức ngừng đọc tên, những đoàn cuối cùng lần lượt vào viếng. Đoàn tiêu binh bồng súng tiến vào, chuẩn bị cho lễ truy điệu lúc 11h.
Phía trong, tiếng khóc rộ lên khi những người thân sắp từ biệt chồng, con, em trong giờ phút cuối cùng.
-
9h00
Những sĩ quan cấp tá bước đi rắn rỏi, nhưng đôi mắt đã đỏ hoe, đứng nghiêm giơ tay chào đồng đội lần cuối.
Ngoài sắc xanh quân phục, nhiều người dân, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị cũng xếp hàng từ sáng sớm để vào viếng.
Chị Trần Thị Bảy (áo đỏ) ở phường Thuận Lộc, gần Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, là một trong số người dân đến viếng sớm nhất. Chị nói muốn thắp nén hương cho những người "vì nước vì dân mà hi sinh".
Từng đoàn người nối nhau đi qua 13 linh cữu phủ quốc kỳ. Ai cũng rưng rưng nước mắt.
Sau hơn hai tiếng tang lễ, Ban tổ chức đề nghị không đi vòng quanh linh cửu để đảm bảo thời gian. Các đoàn vào viếng, thắp hương rồi ra ngay. Hàng trăm người vẫn xếp hàng chờ đến lượt.
-
8h00
Nơi tổ chức lễ tang được dựng rạp ngoài trời. Sau trận mưa suốt đêm qua, sáng nay trời tạnh ráo.
Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ghi trong sổ tang: "Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng và cán bộ chiến sĩ toàn quân vô cùng thương tiếc 13 đồng chí trong đoàn công tác đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ phòng chống bão, lụt, cứu hộ, cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3 ngày 13/10/2020".
"Tinh thần quả cảm, sự hi sinh dũng cảm của các đồng chí đã để lại tấm gương sáng cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân noi theo, góp phần tô thắm phẩm chất tốt đẹp bộ đội cụ Hồ và truyền thống vẻ vang của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay", ông viết.
Thượng tướng gửi tới các gia đình lời chia sẻ chân thành "về sự hi sinh không gì bù đắp nổi". Ông mong các gia đình nén đau thương, sớm vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống và nuôi dạy con cháu tiến bộ, trưởng thành như nguyện vọng của những cán bộ trước lúc đi xa.
"Trong niềm tiếc thương vô hạn này, thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cán bộ, chiến sĩ toàn quân, xin dâng nén hương thơm tiễn biệt các đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng và gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới toàn thể các gia quyến", ông Giang ghi trong sổ tang.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, cùng đoàn vào viếng.
Đồng đội tiễn biệt các liệt sĩ.
-
7h30
Ông Hoàng Anh Đề, 90 tuổi, bố vợ liệt sĩ Trần Minh Hải, Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên- Huế, thay mặt thân nhân của 13 liệt sĩ cảm ơn Đảng, Bộ Quốc phòng và Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế đã dành sự quan tâm đặc biệt khi tổ chức buổi gặp mặt gia đình các liệt sĩ trước giờ truy điệu.
"Chúng tôi là cựu chiến binh, con chúng tôi là liệt sĩ, cháu chắt chúng tôi sẽ cả đời vì sự nghiệp của nhân dân, Tổ quốc", ông nói và bày tỏ lòng biết ơn khi ba người vợ liệt sĩ được tạo điều kiện làm việc trong quân đội.
Chị Hạnh Phúc, vợ liệt sĩ Hải im lặng gục đầu vào người ngồi cạnh. Chị là 1 trong 3 vợ liệt sĩ vừa được nhận vào Quân đội làm việc.
Ông Trần Thiện Cường, bố liệt sĩ Hải cho biết, do đặc thù công việc, anh thường xuyên vắng nhà, khoảng 2-3 tháng mới về một lần, "đôi khi bất chợt về, rồi chưa kịp ăn cơm lại đi ngay".
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, 70 tuổi, mẹ anh Hải, dù sức khỏe yếu vẫn gắng gượng đến tiễn đưa con.
Bà sau đó được cõng ra bên ngoài nhà tang lễ vì quá mệt.
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Bộ tư lệnh Quân khu 4 chia sẻ sự mất mát với gia đình 13 liệt sĩ.
Thân nhân liệt sĩ bật khóc trước những cái ôm chia buồn của người đến viếng.
-
7h00
Các lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, tỉnh Thừa Thiên Huế chuẩn bị vào viếng.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi sổ tang.
Phó thủ tướng bày tỏ vô cùng thương tiếc những cán bộ đã hy sinh anh dũng trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn những người mất tích tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; là biểu tượng cao đẹp của truyền thống dân tộc, biểu tượng của tinh thần dũng cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ vì nước, vì dân.
"Sự hy sinh của các đồng chí là biểu tượng cao đẹp của truyền thống dân tộc, biểu tượng của tinh thần dũng cảm, trách nhiệm của cán bộ chiến sĩ vì nước vì dân. Những hành động quên mình cứu dân của các đồng chí là tấm gương sáng ngời và còn mãi với người dân, thế hệ mai sau... Xin vĩnh biệt những người con dũng cảm của Tổ quốc Việt Nam", Phó thủ tướng để lại lưu bút trong sổ tang.
-
6h50
Trước lễ viếng chính thức, thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, gặp gỡ động viên thân nhân các liệt sĩ. Ông đến từng bàn, bắt tay thăm hỏi từng người. Gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân 13 liệt sĩ, ông nói "những mất mát này không gì bù đắp được" và mong các gia đình nén nỗi đau để chu toàn hậu sự.
Vòng hoa của lãnh đạo Đảng và Nhà nước chuẩn bị được đưa vào lễ viếng.