Nhận nhiệm vụ từ Tư lệnh Quân khu 4, thượng tá Thanh, Lữ đoàn phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn Công binh 414, lập tức điều đội công binh tinh nhuệ nhất của Lữ đoàn từ huyện Nam Đàn (Nghệ An) vào cứu nạn tại xã Phong Xuân (Phong Điền, Huế) - nơi có trạm kiểm lâm 67 của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.
Ba mươi phút sau cuộc điện thoại ấy, bốn chiếc xe chở bộ đội, một xe cứu hộ đa năng lao ra khỏi cổng doanh trại giữa cơn mưa trắng trời, chạy thẳng hướng Phong Xuân cách đó 350 km.
"Đoàn hành quân thần tốc, vì nhiệm vụ cấp bách vô cùng", thượng tá Thanh, nhớ lại. Đơn vị ông trực tiếp chỉ huy là chủ công của Quân khu 4 trong nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
13h30 cùng ngày, đoàn hành quân vào đến xã Phong Xuân. Đội công binh hạ trại ngay trường tiểu học, dọn dẹp tạm các phòng lấy chỗ nghỉ ngơi cho bộ đội. Sở Chỉ huy tiền phương chỉ huy chiến dịch cứu nạn được lập ngay tại trụ sở Uỷ ban xã Phong Xuân. Một nhóm được cử đi trinh sát báo về: Hàng chục điểm sạt lở dọc đường vào Trạm kiểm lâm 67. Nước suối dâng cao. Trời vẫn mưa, dự báo tiếp tục sạt lở. Lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận hiện trường ngay.
Đêm ấy Phong Xuân mưa lớn. Thượng tá Thanh nghe tiếng mưa mà lửa đốt trong lòng bởi trong đoàn mất tích tại trạm Kiểm lâm 67 ở xã Phong Xuân có hai người thủ trưởng của ông: Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4 và đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó cục trưởng Cứu hộ Cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ông biết đại tá Hùng từ hồi còn công tác ở Lữ đoàn Công binh 249. Ký ức trôi về mùa mưa năm 2019, khi Lữ đoàn 414 cơ động ra Thanh Hoá bắc cầu phao thông đường vào bản Sa Ná (Quan Sơn) bị lũ quét. Đại tá Hùng đứng đợi ở bên đường, dặn ông phải nghiên cứu kỹ dòng chảy của sông Luồng rồi hãy bắc cầu phao.
Sáng hôm sau, 14/10, cả đoàn ăn xôi cho chắc bụng, hành quân vào hiện trường lúc 7h. Quãng đường 13 km từ UBND xã Phong Xuân vào Trạm kiểm lâm 67 ngày thường chỉ mất 30 phút đi xe máy, hôm đó mất gần hai tiếng. Hơn 60 chiến sĩ công binh chia thành ba đội. Một nhóm 20 người làm rọ đá ngăn một phần ngầm tràn, cho người và phương tiện đi qua. Khoảng 10 chiến sĩ đi cắm cờ, chốt tại các điểm sạt lở làm hoa tiêu cảnh báo. Số còn lại vào hiện trường.
"Tan hoang, không tưởng tượng được" là ghi nhận của thượng tá Thanh khi đặt chân đến hiện trường lúc 8h30 ngày 14/10. Một nửa quả núi sạt ụp xuống, đất đá, cây cối chồng chéo lên nhau. Không có dấu hiệu gì cho thấy nơi đây từng tồn tại một dãy nhà nghỉ của kiểm lâm, ngoài nửa tấm bảng xi măng cổ động "Bảo vệ rừng" trồi lên giữa bùn đất. Có người bắc loa tay gọi: "Còn ai không?" nhưng chỉ nghe thấy tiếng vọng của rừng, tiếng nước chảy.
Sau khi nhờ người địa phương xác định vị trí dãy nhà đoàn công tác từng nghỉ chân, những nhát cuốc đầu tiên bổ xuống để tìm kiếm. Hơn 600 người, hàng chục máy múc hoạt động hết công suất gạt cây đổ, đá hộc sang một bên. Công binh đào ở gần miệng vực, ngược hướng quả đồi, cách dãy nhà của trạm kiểm lâm khoảng trăm mét, bởi phán đoán đoàn công tác chạy theo hướng ấy.
"Do xác định vị trí chưa chính xác nên việc cứu hộ muộn hơn", thiếu tướng Nguyễn Đức Hoá, Phó Chính uỷ Quân khu 4 nói sau khi kết thúc công cuộc tìm kiếm. Theo ông, nếu có báo cáo chính xác vị trí người gặp nạn, việc cứu hộ đã làm xong sớm hơn.
Ngày đầu tiên đào bới chưa có hy vọng. Cơn mưa trút xuống lúc 16h khiến lực lượng phải rút ra ngoài xã Phong Xuân, để lại một bộ phận canh gác. Hôm sau là cuộc tìm kiếm tổng lực của 1.178 người gồm nhiều lực lượng, 257 phương tiện các loại, huy động cả chó nghiệp vụ. Lực lượng làm nhiệm vụ đã san gạt hơn 2 triệu m3 đất đá, thông toàn bộ tuyến đường vào Trạm Kiểm lâm 67, một phần vào thủy điện Rào Trăng 3. Trong cuộc tìm kiếm ấy, có lúc, bát cơm người lính chan hoà nước mắt lẫn nước mưa. Bàn thờ dã chiến lập tại hiện trường luôn được sưởi ấm bởi những nén hương.
Khi nhóm này nghỉ tay, nhóm kia tay xẻng, tay cuốc vào thế chỗ. Họ tranh thủ ăn lương khô, bánh chưng, cơm tiếp tế ngay bên tảng đá, miệng hố. 10h20 ngày 15/10, đội tìm kiếm phát hiện dấu vết nạn nhân đầu tiên. Lập tức, việc đào bới chuyển sang phương pháp thủ công, bằng cuốc, xẻng và cả tay không. Có những chiến sĩ tuổi đôi mươi vừa đào bới vừa khóc vì thương đoàn cán bộ gặp nạn.
"Mình là chỉ huy, phải nén khóc để đốc thúc anh em làm nhanh, vì thời tiết lại trở xấu", giọng thượng tá Thanh nghẹn lại. Ba mươi năm vào bộ đội, người đàn ông 49 tuổi từng chỉ huy nhiều đội công binh cứu hộ cứu nạn dọc dải quân khu Thanh - Nghệ - Tĩnh – Bình – Trị - Thiên, chứng kiến nhiều mất mát song chưa bao giờ xót lòng như thế. Bởi nằm đó, là đồng đội, là thủ trưởng của ông,
Những trận mưa chiều 15/10 trút xuống rừng phòng hộ sông Bồ, nước thượng nguồn lại ào ạt đổ tới. Công binh ngăn dòng không cho nước chảy vào vị trí tìm kiếm. Sình lầy nhão nhoẹt, đặt chân là thụt xuống bùn tận đầu gối, bắp chân. Tụt dép, tụt tất, họ đi chân trần, lót đá, thân cây dưới chân mình tiếp tục đào. Một nghìn con người cùng máy móc, cuốc xẻng đã chạy đua với thời tiết trong suốt chín tiếng đồng hồ.
19h20, nạn nhân cuối cùng được tìm thấy, kết thúc hai ngày tìm kiếm. 13 người nằm đó, gần nhau, có người như đang say ngủ, có người trong tư thế vùng chạy, tay vẫn giơ về phía trước. Trong những giờ phút cuối cùng trước đêm tai ương ấy, họ ăn vội bát cơm chan nước mắm, quây quần bên đống lửa, hơ quân phục, và nói với nhau: "Việc thì gấp, vì nhiệm vụ, vì nhân dân chúng ta phải làm".
13 người lần lượt được xe cứu thương đưa về Bệnh viện Quân y 268, Huế. Đội tìm kiếm thu dọn cuốc xẻng, lán trại, điểm danh quân số và hành quân về tới xã Phong Xuân trong cơn mưa ngập đất, lúc 21h30.
Sáng 18/10, lễ tang 13 cán bộ, quân nhân hy sinh trên đường vào cứu nạn thuỷ điện Rào Trăng 3 được tổ chức tại Bệnh viện Quân y 268. Thượng tá Thanh không thể dự lễ truy điệu đồng đội, chỉ đành vái vọng. "Nhiệm vụ Rào Trăng 3" mới hoàn thành một nửa, 15 công nhân vẫn đang mất tích. Những ngày tới, công binh vẫn là đơn vị chủ công, nổ mìn, phá đá mở đường vào Rào Trăng 3, tiếp tục tìm kiếm để đưa các công nhân về nhà.
Hoàng Phương - Nguyễn Đông