"Hôm nay là ngày trực của Hùng, nhưng chỉ trong chớp mắt, người chẳng còn nữa", thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nói. Cuộc nói chuyện cuối cùng của ông và đồng đội thân thiết là trưa 12/10, trước khi ông Hùng vào Rào Trăng 3. "Chú ấy nói em đi cứu hộ công nhân không biết bao giờ mới xong việc, anh ở nhà đi họp và cuối tuần trực giúp em nhé", ông Tỵ kể lại.
Vừa kết thúc nhiệm vụ tham gia chỉ đạo cứu hộ thuyền viên và ngư dân trên tàu Vietship 01 gặp nạn tại vùng biển Cửa Việt (Quảng Trị), đại tá Nguyễn Hữu Hùng (Phó cục trưởng, Phó chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn) tiếp tục lên đường vào miền Trung nắm tình hình, lên phương án cứu trợ nhân dân đang oằn mình trong lũ dữ.
"Thủy điện Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân bị sạt lở, nhiều công nhân bị vùi lấp", nhận được tin báo khi vừa đến huyện Phong Điền, đại tá Hùng kết nối với Quân khu 4, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế để nắm thông tin. Khi biết nhiều người mất tích, ông đến ngay Huyện ủy Phong Điền họp bàn phương án cứu hộ, sau đó tham gia đoàn trinh sát do thiếu tướng Nguyễn Văn Man (Phó tư lệnh Quân khu 4) dẫn đầu, tiếp cận Rào Trăng 3.
Theo một số thành viên đoàn trinh sát sống sót sau vụ sạt lở, suốt buổi chiều và tối 12/10, những đôi chân của người lính bám chặt vào mặt đường, có lúc phải lội bùn đến thắt lưng. Trời mưa liên tục, đêm rừng tối đen như mực. Cái lạnh thấm vào da thịt từng người khi quần áo ướt sũng. Thế nhưng đại tá Hùng vẫn giữ gương mặt vui vẻ, thi thoảng động viên anh em cố gắng vì "dân đang đợi mình".
Cho đến khi gặp chướng ngại vật thứ 10, đường trơn trượt, đêm rừng âm u buốt lạnh, đoàn mới dừng chân nghỉ lại Trạm Kiểm lâm 67 gần đó. Để đảm bảo an toàn, đại tá Hùng giao hai người lính đi kiểm tra xung quanh ngôi nhà.
Kết quả trinh sát cho thấy ngôi nhà của Trạm Kiểm lâm 67 cách xa đồi núi từ 50 đến 150 m, đồi núi lúp xúp, thấp, tương đối an toàn. Những người lính tìm kiếm trong nhà thấy mấy bộ quần áo kiểm lâm để lại, mang cho đại tá Hùng thay nhưng ông xua tay, bảo "nhường cho anh em". Giữa đêm rừng giá lạnh, ông mặc áo ba lỗ, cùng đồng đội ngồi quanh đống lửa, hong khô bộ quân phục dã chiến.
Khi nhóm năm người đi trinh sát hướng Rào Trăng 3 quay trở về, nồi cơm bắc vội cũng vừa chín. Tướng cũng như lính, mỗi người một bát cơm trắng với nước mắm, ăn cho ấm bụng rồi trải chiếu ngả lưng. Không ngờ, đó là bữa cơm cuối cùng của 13 cán bộ, chiến sĩ.
Khoảng 0h ngày 13/10, sau tiếng nổ lớn, núi đất đá sụt trùm lên các gian nhà đoàn đang nghỉ; chỉ 8 người may mắn thoát được ra ngoài, còn lại bị vùi lấp dưới đất bùn, trong đó có Cục phó Cứu hộ Cứu nạn, đại tá Nguyễn Hữu Hùng.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Nguyễn Cao Lục, cho biết sự hết mình vì công việc, trách nhiệm với nhiệm vụ khiến đại tá Hùng được mọi người xung quanh yêu mến. Trong tâm trí ông, đại tá Hùng là "người hùng Đạ Dâng".
Cuối năm 2014, hai người gặp nhau ở Lâm Đồng, lúc đó ông Hùng là Phó tham mưu trưởng Binh chủng Công binh chỉ huy lực lượng giải cứu 12 công nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng. Ông Lục tháp tùng Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn vào chỉ đạo.
Ông Lục nhớ, chiều 18/12/2014, sự cố đã bước sang ngày thứ ba nhưng việc triển khai các phương án đào hầm, tiếp cận vị trí nhóm công nhân mắc kẹt gặp rất nhiều khó khăn. Đến thực địa (ngay vị trí đất sập, lấp kín đường hầm), ông thấy rất đông bộ đội và lực lượng của Tập đoàn Than - Khoáng sản đang tập trung phía trong để mở các hầm phụ cứu những người mắc kẹt bên trong. Ông Hùng đang chỉ huy các chiến sĩ công binh, tính toán gì đó bên vách trái của hầm.
Bí thư Tỉnh ủy Lầm Đồng Nguyễn Xuân Tiến và đại tá Hùng dẫn Phó thủ tướng vào tận điểm sạt lở trong hầm. Trong cuộc họp dưới nhà bạt dã chiến cạnh cửa hầm thủy điện, đại tá Hùng đề xuất Phó thủ tướng giao quân đội làm tổng chỉ huy lực lượng tìm kiếm, giao công binh chủ trì đào nhánh hầm bên trái để đẩy nhanh tiến độ, tăng khả năng tiếp cận công nhân mắc kẹt, cứu người nhanh nhất có thể.
Lúc đó, phương án giải cứu duy nhất là đào đường hầm đi vòng qua điểm sạt lở. Phương án này được nhiều người đồng tình vì an toàn hơn cho lực lượng tìm kiếm do đào vào nền đất cứng, tránh được rủi ro sập hầm. Nhưng để tiếp cận được các nạn nhân, cần ít nhất 3 ngày. Phó thủ tướng cho rằng như vậy quá lâu, ảnh hưởng tính mạng người bị nạn.
Đại tá Hùng xin phép Phó thủ tướng cho đào đường hầm theo nhánh bên trái, xuyên thẳng qua khối đất đá sạt lở. Lực lượng công binh sẽ huy động chiến sĩ tinh nhuệ nhất, đào liên tục ngày đêm theo phương pháp "đào hầm trong cát", giúp tạo một lối thông qua khối bùn đất nhão, có căn cứ khoa học về độ an toàn, đảm bảo nhanh tiếp cận nạn nhân hơn đào theo đường vòng.
Ông Hùng khẳng định có rủi ro, nhưng sẽ tăng cơ hội giải cứu nạn nhân và nếu được tin tưởng, công binh sẽ nỗ lực tối đa để hoàn thành nhiệm vụ. "Thú thật, lúc đó nhiều người chưa đồng tình với phương án này. Tôi cũng chưa hiểu về chuyên môn và rất lo ngại nếu tình huống rủi ro xảy ra", ông Lục nói và cho biết Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải bị thuyết phục bởi sự quyết đoán của đại tá Hùng. Ông giao đại tá Hùng làm chỉ huy các lực lượng cứu nạn tại hiện trường. Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng chủ trì, chỉ đạo các mặt công tác cứu nạn, cứu hộ.
Hơn 100 chiến sĩ công binh tinh nhuệ được tung vào hiện trường để đào một hầm cứu nạn thẳng đến vị trí nạn nhân và họ đã thành công. 12 công nhân lần lượt được đưa ra ngoài. Mọi người nhớ mãi ánh mắt, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt cương nghị của đại tá Nguyễn Hữu Hùng hôm đó.
"Sau này, một trong những kinh nghiệm quan trọng nhất được rút ra đó là các lực lượng vũ trang luôn được tin tưởng giao nhiệm vụ chỉ huy tuyến đầu khi ứng phó với các sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Họ luôn là người lính tiên phong trên mặt trận này", ông Lục nhấn mạnh.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ giải thích, "đào hầm trong cát" để chống sạt đổ là lợi dụng vào vỏ hầm, thi công đến đâu chống đến đấy, vừa đảm bảo an toàn cho người thi công, đồng thời xác định rõ đường hướng cơ động, nhanh tiếp cận khu vực người bị nạn. Đây là kinh nghiệm của quân đội được truyền từ trong chiến tranh truyền thụ lại, được thế hệ công binh học theo, vận dụng vào thực tiễn.
Với phương án cứu hộ hiệu quả, trong 24 giờ đã cứu được toàn bộ 12 công nhân, đại tá Hùng lúc đó đã được Thủ tướng tặng huân chương chiến công hạng ba. Không lâu sau đó, ông được điều động về Cục Cứu hộ cứu nạn Bộ Quốc phòng, kiêm nhiệm Phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Từ đó, ông Lục có điều kiện làm việc thường xuyên hơn với người lính mà ông quý mến. "Gần như tất cả điểm nóng thiên tai hay sự cố 5 năm gần đây, anh Hùng luôn có mặt để chỉ huy tìm kiếm nạn nhân", ông Lục nói.
Tướng Tỵ cũng cho hay, đại tá Nguyễn Hữu Hùng được đào tạo cơ bản về chỉ huy chiến lược, tham mưu và là nguồn cán bộ phát triển cao cấp của quân đội. Từ cơ sở đi lên, ông có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó sập đổ công trình; cũng là người trực tiếp chỉ đạo huấn luyện, đưa lực lượng, phương tiện của Quân đội Việt Nam tham gia diễn tập, ứng phó thảm họa, cứu trợ nhân đạo với các nước ASEAN, được các nước đánh giá rất cao.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, 50 tuổi, quê Quốc Oai, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Công binh, ông trải qua 10 năm công tác ở Lữ đoàn 239. Sau đó, ông làm Trợ lý Phòng Quân huấn - Nhà trường, Bộ Tham mưu Binh chủng Công binh, được cử đi học tại Học viện Lục quân. Từ 4/2008 đến 8/2014, ông giữ chức Lữ đoàn phó, Tham mưu trưởng rồi Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 249, Binh chủng Công binh.
Tháng 9/2014 đến 8/2015, ông là Phó tham mưu trưởng Binh chủng Công binh và từ tháng 9/2015 đến nay là Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ tổng Tham mưu. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Ngày 17/10, đại tá Nguyễn Hữu Hùng được Chủ tịch nước truy thăng quân hàm lên thiếu tướng. Ngày 18/10, Quân khu 4 sẽ chủ trì lễ tang và truy điệu cho tướng Nguyễn Hữu Hùng và các liệt sĩ.