Lê Hữu Hiếu là một kiến trúc sư, nhưng hội họa luôn song hành với công việc của anh. Mặc là triển lãm đầu tiên của Lê Hữu Hiếu, diễn ra từ ngày 3 đến 10/7, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Làm quen với hội họa từ nhỏ, nhưng lớn lên Lê Hữu Hiếu lại học và theo đuổi ngành kiến trúc. Cách đây vài năm, Lê Hữu Hiếu gặp một biến cố trong cuộc sống. Giữa áp lực, trách nhiệm, anh bỏ mặc tất cả, để mình rơi tự do. Rồi anh tìm đến hội họa như một sự thể hiện, giải tỏa tâm hồn mình.
Nhận được nhiều lời cổ vũ, động viên của các họa sĩ bậc đàn anh, Lê Hữu Hiếu thực hiện triển lãm Mặc. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn làm giám tuyển lựa chọn tranh để trưng bày.
Triển lãm giới thiệu 18 bức tranh sơn dầu khổ trung. Các tác phẩm là sự thể nghiệm chất liệu khi Hữu Hiếu vẽ acrylic và dùng vàng, bạc dán lên toan. Các bức tranh hoàn thành ánh lên vẻ đẹp của sự kiên trì trong những đam mê màu sắc và đường nét. Hữu Hiếu sử dụng ngôn ngữ của hội họa siêu thực, pha biểu hiện để nói lên trạng thái tinh thần của cá nhân.
Với Lê Hữu Hiếu, hội họa là sự cứu rỗi bản thân. Anh nói: "Cuộc sống tôi trải nhiều thăng trầm, năm 2010, tôi từ đỉnh cao sự nghiệp bị dìm xuống tận đáy, cả kinh tế lẫn niềm tin đều kiệt quệ. Thời gian dài tôi chỉ khép cửa trong nhà vẽ tranh. Cứ vẽ, tôi lại thấy sáng hơn, yêu đời và tìm lại được động lực. Hội họa lúc đó như một chiếc phao cứu sinh, cứ ngụp xuống lại với tay nắm lấy... Sau đó tôi đã đứng lên và vượt qua tất cả".
Nếu Hữu Hiếu trong cảm xúc rơi tự do và rơi trúng vào hội họa, thì họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng đó là một cú rơi chuẩn xác. Ông nói: "Hội họa là một lựa chọn không thể thích hợp hơn của Hiếu. Câu chuyện riêng của Hiếu là câu chuyện chung của 8x, năng động, thành công rất nhanh khi khởi nghiệp, nhưng cũng dễ rơi vào bế tắc".
Các tác phẩm trong triển lãm chia làm hai phần: phần Mặc gồm 8 tác phẩm, được cho là thể hiện trạng thái cảm xúc của chính tác giả. Phần còn lại là những bức tranh khắc họa góc nhìn của Hữu Hiếu với xã hội, với cuộc sống đương thời. Tranh Hữu Hiếu động đến được tâm thức của một lứa tuổi đang được gọi là "thanh niên của thời đại" này: Sự sợ hãi và ngơ ngẩn trước áp lực thời gian và công việc, những thiên thần rũ cánh và những mơ mộng hoang hoải, cả sự tạm bợ và hài hước kỳ quặc trong những câu chuyện xã hội họ tham gia.
Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận xét tranh của Lê Hữu Hiếu mạnh về bố cục, các tác phẩm còn cho thấy tác giả là người đọc nhiều tác phẩm văn chương. Lê Thiết Cương bày tỏ sự yêu thích và khen ngợi các tác phẩm thuộc series Mặc, bởi cách vẽ tối giản mà gợi được trạng thái bỏ mặc của tác giả.
*Một số tác phẩm trong triển lãm
Lam Thu