Chiều 20/6, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM diễn ra buổi khai mạc triển lãm bộ sưu tập Nguyễn Kao Thương. Theo Ralph Matthews, nhà sưu tầm nghệ thuật người Mỹ, toàn bộ ký họa, màu nước và sơn dầu trong bộ sưu tập này chưa một lần được ra mắt công chúng trong 40 năm qua.
Triển lãm giới thiệu đến khán giả bộ sưu tập gồm 250 bức ký họa và màu nước. Gần một nửa trong số đó là tranh màu nước trên khổ giấy lớn, và sáu tranh sơn dầu trên bìa cứng - giấy bồi. Các họa phẩm này thuộc trường phái hiện thực xã hội. Chúng không chỉ cho thấy sức sáng tạo lớn lao và dồi dào của cố họa sĩ mà còn là tài liệu ghi lại một thời kỳ lịch sử. Đi kèm bộ sưu tập đồ sộ này là một loạt tài liệu viết tay của họa sĩ. Tất cả có thể được xem như cuốn nhật ký sinh động minh họa cuộc đời ông, để dựa vào đó, người ta có thể đánh giá hoàn cảnh sáng tác hay tính xác thực những tác phẩm được tìm thấy sau này của ông."Di sản ông để lại có thể khẳng định ông là nghệ sĩ phác họa và họa sĩ màu nước tài ba nhất so với những họa sĩ cùng thời", Ralph Matthews nhận định.
Một bức tranh mô tả người công nhân lao động trong khu gang thép Thái Nguyên. |
Một số tác phẩm của Nguyễn Kao Thương được sáng tác vào những năm cuối đời (khoảng 1997), được các Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tầm. Những tác phẩm này giành một số giải thưởng mỹ thuật. Trong suốt thời gian này, ông được cử đi nhiều nước trên thế giới theo các đoàn ngoại giao như Cu Ba, Trung Quốc, Mông Cổ và Liên Xô, nơi ông đã ghi lại nhiều hình ảnh về phong cảnh và con người. Rất nhiều chân dung ông vẽ trong những chuyến đi này còn lưu chữ ký của nhân vật. Hầu hết tranh có chú thích địa điểm, chủ thể và thời gian sáng tác, tương ứng với khoảng thời gian từ 1957 đến 1973. Đây quả là một nguồn lưu trữ lịch sử quan trọng, cho những tác phẩm chưa bao giờ được biết tới trước đây của ông cũng như quy tắc nghề nghiệp mà ông luôn tuân thủ.
Tác phẩm của ông phần lớn được phân chia theo nhóm, dựa trên năm sáng tác, chủ thể và địa điểm sáng tác: Phác họa bằng chì - Trung Quốc (1957), Phác họa nghiên cứu sơn dầu trên bìa cứng (1964), Tranh vẽ và màu nước - Lào (1968), Tranh vẽ và màu nước - Mông Cổ (1970-71), Tranh vẽ - Liên Xô (1970-71), Tranh vẽ và màu nước - Cu Ba (1972), Tranh vẽ và màu nước - đường mòn Hồ Chí Minh (1973), Các phác họa và tranh màu nước, mô tả hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Quốc dân Đại hội năm 1945 (1971)...
Một số phác thảo màu nước và sơn dầu ông vẽ cho các tác phẩm hoàn chỉnh sau này hiện được lưu giữ tại các bảo tàng mỹ thuật ở Hà Nội và TP HCM, hoặc được in trong các cuốn sách về nghệ thuật Việt Nam dưới dạng tranh sơn dầu hoặc sơn mài. Bộ sưu tập này còn có bức phác thảo màu nước cho tác phẩm "Bác Hồ và Bác Tôn" nổi tiếng của ông.
Theo ông Ralph Matthews, dựa trên chú thích về ngày tháng hay chú giải khác ở hầu hết tác phẩm của Nguyễn Kao Thương, có thể biết được rằng ông đã hoàn thành nhóm 27 tranh vẽ và màu nước trong thời gian ông hành quân qua đường mòn Hồ Chí Minh sang Lào vào tháng 11 năm 1968. Ông đến thăm bản Ban Na của người Lào Lum (trên đường đến Xamneua), từ đây hàng hóa được vận chuyển sang vùng giải phóng, và tiếp tế cho những đơn vị ở tuyến đầu. Thời gian sau ông từng ở tại quần thể hang Vienxgay (khi đó gọi là Xieng Xeu, tỉnh Houaphanh), thường được gọi là Hidden City.
Phong cảnh thôn quê nước Lào. |
Đã có thời điểm hang Vienxgay nổi tiếng ở Lào, phía tây nam Hà Nội, là nơi ăn chốn ở của hơn 20.000 người và là căn cứ quân sự của Lào và bộ đội Việt Nam. Qua những bức vẽ của mình, Nguyễn Cao Thương đã mô tả sống động và chi tiết những sinh hoạt thường nhật. Đó là hình ảnh những cô cậu học trò đang học bài trong hang Phoumi Vongvichid (Phoumi là tên một cựu bộ trưởng Giáo dục Lào), những người thợ máy làm việc bên các xe quân sự, những quả đại pháo, tất cả đều diễn ra trong hệ thống hang đá vôi rộng lớn dưới mặt đất. Nguyễn Cao Thương còn phác họa chân dung của bốn vị lãnh đạo cấp cao của Lào thời gian đó.
Tám bức chân dung được Nguyễn Kao Thương vẽ tại quần thể hang Vienxgay, trong số đó năm bức có chữ ký của nguyên mẫu, những người này sau đều trở thành chủ tịch nước Lào.
Hai trong nhóm những tác phẩm về Lào mà Nguyễn Cao Thương vẽ trong chuyến đi năm 1968, mô tả những người lính bản địa của Lào. Một bức đặc tả cảnh một thổ dân Lào, thuộc đơn vị du kích Muong Nga, bắn hạ máy bay chiến đấu F-4H. Chữ ký của nhân vật còn nguyên phía sau bức tranh. Huyện Nga nằm ở phía tây Lào, nơi đồ tiếp tế được vận chuyển qua đường mòn Hồ Chí Minh trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ. Một bức thủy mặc khác vẽ một chiến binh thổ dân, hay một thành viên của lực lượng tự vệ làng, đang đứng cạnh cái bẫy mìn mà anh ta vừa đặt. Cả hai bức này đều còn lời chú giải và chữ ký của họa sĩ.
Mở đường Trường Sơn. |
Bộ sưu tập còn bao gồm một tác phẩm sơn dầu trong tranh bộ ba xây dựng khu gang thép Thái Nguyên vẽ năm 1964. "Nó xứng đáng được treo riêng trong Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Nó là một trong số những tác phẩm sơn mài mang dấu ấn đặc trưng của Kao Thương, và cho thấy ông đã thành công như thế nào khi áp dụng kỹ thuật này. Đây chỉ là một ví dụ điển hình từ công việc sáng tác của ông thời kỳ đầu, khi mà ông thành thạo một thể loại nghệ thuật cụ thể. Điều này đưa ra giả thuyết là thời kỳ sáng tác của tác phẩm lưu trữ cho thấy đỉnh cao quyền lực nghệ thuật của ông...", nhà sưu tập Ralph Matthews trình bày trong bài viết nghiên cứu của ông về họa phẩm Nguyễn Kao Thương.
Triển lãm bộ sưu tập Nguyễn Kao Thương kéo dài đến hết ngày 22/6, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM.
Họa sĩ Nguyễn Kao Thương sinh năm 1918, mất năm 2013. Ông người An Giang và là một trong những họa sĩ Nam Bộ đầu tiên tham gia kháng chiến chống Pháp cùng với các họa sĩ Diệp Minh Châu, Huỳnh Văn Gấm, Trần Văn Lắm...
* Ảnh: Nhịp điệu cuộc sống trong tranh Nguyễn Kao Thương |
Thất Sơn