Ở đợt góp ý đầu tiên, mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo chọn cử 10 giáo viên có kinh nghiệm ở mỗi môn học để nghiên cứu, góp ý các bản mẫu sách giáo khoa qua website của nhà xuất bản. Địa chỉ website, tài khoản và mẫu phiếu góp ý được Bộ gửi tới email các Sở để cung cấp cho giáo viên. Các ý kiến đợt một gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 10/12.
Với đợt thứ hai, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức cho giáo viên dạy lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022 góp ý. Các trường đưa việc tìm hiểu nội dung bản mẫu sách giáo khoa vào sinh hoạt tổ chuyên môn để nghiên cứu, góp ý và chuẩn bị việc đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, bắt đầu từ ngày 25/12.
Ở đợt thứ ba, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố thông báo cho giáo viên, cán bộ quản lý tìm hiểu, góp ý bản mẫu đã được nhà xuất bản hoàn thiện, đưa lên website trước khi in và phát hành.
Việc để giáo viên, trường học góp ý với bản mẫu sách giáo khoa lớp 2 và 6 nhằm tránh lọt "sạn" như bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều.
Sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới được thẩm định theo Thông tư 33/2017 và Thông tư 23/2020. Theo đó, Hội đồng thẩm định sách được thành lập, mỗi môn ít nhất 7 người (luôn là số lẻ), thành phần gồm các giáo sư đầu ngành về chuyên môn, giáo sư đang công tác ở đại học, ít nhất 1/3 là giáo viên đang dạy ở mọi vùng miền.
Sau khi nhận được bản thảo, thành viên trong hội đồng sẽ đọc trong 15 ngày với tinh thần tiếp cận, tìm hiểu độc lập, sau đó sẽ họp tập trung. Trong thời gian họp, Hội đồng nghe tác giả bản thảo sách trình bày nội dung và quan điểm, sau đó có 3-5 ngày làm việc độc lập để có buổi phân tích, đưa ra kết luận với bản thảo sách giáo khoa vòng 1. Trong buổi này, tác giả viết sách sẽ đến nghe ý kiến.
Việc thẩm định sách giáo khoa có ba mức là đạt, đạt nhưng cần chỉnh sửa và không đạt. Nếu đạt nhưng phải sửa, tác giả sẽ có một tháng để sửa và nộp lại. Nếu không đạt, tác giả và nhà xuất bản có quyền chỉnh sửa và đề nghị hội đồng thẩm định lại, được xem như thẩm định lần đầu.