Tối 8/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ cộng đồng người Việt ở Singapore. Tại cuộc gặp, TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore, NUS), đề xuất 5 đột phá Việt Nam cần có để thành nước phát triển vào năm 2045.
Một trong những đột phá, theo TS Khương, người từng là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ, là Việt Nam phải phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, nhất là hệ thống tàu điện ngầm tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Việc này để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày càng trầm trọng.
Ông lấy ví dụ Bangladesh trong vài năm đã phát triển hàng trăm km tàu điện ngầm, giúp thay đổi bộ mặt đô thị, tăng năng suất lao động, nền kinh tế... Ông ước tính, mỗi năm các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM mất cả tỷ USD do giảm năng suất lao động vì tắc nghẽn giao thông. Do đó, Việt Nam cần đặt mục tiêu tới năm 2030, hai thành phố này có khoảng 150 km đường sắt đô thị, tàu điện ngầm.
Ngoài nguồn lực xã hội hoá, TS Khương cho rằng, bán bớt vốn, tài sản tại các doanh nghiệp Nhà nước sẽ "hoàn toàn đủ tiền đầu tư hệ thống tàu điện ngầm, thay đổi bộ mặt đô thị, quốc gia".
Cải cách doanh nghiệp Nhà nước, khu vực đang nắm giữ 4 triệu tỷ đồng nhưng chưa phát huy hiệu quả, nguồn lực cũng là một trong những gợi ý của TS Vũ Minh Khương khi gặp Thủ tướng.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, riêng các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường. Tính toán sơ bộ cho thấy, quy mô tài sản bình quân của một doanh nghiệp Nhà nước khoảng 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần khu vực FDI và 109 lần doanh nghiệp tư nhân. Nhưng cơ quan ngành kế hoạch nhận xét, các tập đoàn, tổng công ty về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế.
"Nếu khối này quản trị yếu, lợi nhuận thấp, công nghệ kém, năng suất thấp sẽ bỏ phí rất nhiều nguồn lực. Thoái bớt vốn, cải cách hiệu quả khu vực Nhà nước, theo nghiên cứu của tôi, Việt Nam sẽ có dư địa để tăng trưởng thêm 0,5-1%", TS Vũ Minh Khương nêu.
Ông Khương đề nghị Thủ tướng giao Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hợp tác toàn diện với Singapore, có chiến lược tạo ra bước ngoặt lớn, tăng sức cạnh tranh và vượt trội ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước.
Một đột phá cần thiết khác với Việt Nam, theo ông Khương, là phải xây dựng một bộ máy công quyền ưu tú và Singapore là kinh nghiệm hay cho Việt Nam.
"Cán bộ công chức hiện nay có năng lực nhưng chưa phát huy hết sức, chưa hiệu quả. Để họ toàn tâm toàn ý làm việc thì cấu trúc của bộ máy, cơ chế phải minh bạch, rõ ràng trách nhiệm. Hàng năm, các bộ, ngành phải giải trình, công khai với người dân các nhiệm vụ, chiến lược", ông nói.
Trước đề xuất này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tới đây Việt Nam sẽ học tập kinh nghiệm của Singapore trong chuyển đổi nguồn lực, cải cách doanh nghiệp Nhà nước.
Phát triển kinh tế xanh và kinh tế số là đột phá cuối cùng, sẽ giúp Việt Nam giải quyết nhiều bài toán của tương lai. Ông Khương gợi ý Việt Nam và Singapore lập Uỷ ban đặc biệt về hợp tác chiến lược, nhất là thúc đẩy hợp tác chiến lược trong kinh tế xanh, kinh tế số.
Chia sẻ trăn trở này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, Việt Nam là nền kinh tế đang chuyển đổi, có những khó khăn nội tại. "Một nước 100 triệu dân, cách tổ chức khó khăn hơn quốc gia chỉ vài triệu người, song sự minh bạch của bộ máy cán bộ, công quyền là rất cần", người đứng đầu Chính phủ nêu quan điểm.
Ông cũng tán thành gợi ý, Việt Nam cần phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, cũng như cần giải quyết bài toán ách tắc giao thông tại các đô thị lớn. Vừa qua nguồn lực đầu tư cho hạ tầng chưa nhiều, nhưng hiện đã huy động được 500.000 tỷ đồng, gấp 3 nhiệm kỳ trước, nên ông kỳ vọng sẽ đột phá, hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Nam.
Thủ tướng đánh giá cao những sáng kiến và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở Singapore. Ông mong kiều bào tích cực đóng góp cho nước sở tại, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và thúc đẩy quan hệ ngoại giao hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân hôm nay đến Singapore, bắt đầu chuyến thăm chính thức nước này theo lời mời của Thủ tướng Lý Hiển Long. Chuyến thăm của Thủ tướng tới Singapore là sự kiện mở màn cho năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.