Lính USMC huấn luyện với xe LAV-25.
Xe thiết giáp trinh sát LAV-25 ra đời từ yêu cầu của Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC), nhằm phát triển lực lượng đột kích hiện đại, có khả năng cơ động cao cho chiến trường Trung Đông. Trong 35 năm qua, đã có gần 1.000 chiếc LAV-25 được chế tạo và tham chiến từ Panama đến Iraq, được Mỹ đặt biệt danh là "kỵ binh tiên phong", theo National Interest.
Mỹ thành lập Lực lượng triển khai nhanh (RDF), tiền thân của Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ, vào đầu thập niên 1980 nhằm triển khai các đơn vị hải lục không quân tới mọi điểm nóng trên thế giới một cách nhanh chóng. RDF đòi hỏi hỏa lực và khả năng cơ động chiến lược mà Washington chưa từng có vào thời điểm đó.
Lục quân Mỹ và USMC đánh giá hàng loạt xe thiết giáp hạng nhẹ thế hệ mới nhằm bổ sung cho RDF, trong đó có xe thiết giáp M1047 LAV sử dụng khung gầm bánh hơi 8x8 phát triển từ nền tảng thiết giáp Mowag Piranha của Thụy Sĩ, gắn pháo tự động Bushmaster M242 cỡ nòng 25 mm và súng máy cỡ nòng 7,62 mm.
Lục quân Mỹ từ chối tiếp nhận M1047, trong khi USMC lại đón nhận loại xe này rất nhiệt tình. Họ đặt cho nó định danh LAV-25, cải tiến để xe chở được 6 lính và sử dụng với vai trò xe chiến đấu bộ binh. USMC thành lập 4 tiểu đoàn LAV-25, mỗi tiểu đoàn nằm trong đội hình chiến đấu của một sư đoàn lính thủy đánh bộ.
LAV-25 được thiết kế cho khả năng di chuyển cấp chiến lược và chiến thuật, mang lợi thế cho USMC trong học thuyết tác chiến cơ động, hình thức được lực lượng này ứng dụng trong thập niên 1980. Trong đó, Mỹ đề cao khả năng hành quân liên tục, chiếm vị trí có lợi trước đối phương, thay vì tập trung vào hỏa lực áp đảo.
Thiết giáp LAV-25 phục vụ tốt nhiệm vụ này, với tốc độ tối đa hơn 100 km/h trên đường nhựa và 10 km/h trên mặt nước. Xe có thể được chuyên chở bằng máy bay vận tải C-5, C-17, C-141 và C-130, thậm chí có thể được treo dưới trực thăng CH-53E Sea Stallion.
Ngoài mẫu LAV-25 cơ bản, USMC đặt mua thêm 6 biến thể chuyên biệt khác. Nổi bật là LAV-C2 với vai trò trung tâm chỉ huy và liên lạc của các tiểu đoàn LAV-25. Phiên bản này loại bỏ tháp pháo, thay vào đó là khoang rộng hơn để chứa trang thiết bị và người vận hành đài vô tuyến. Tiếp đó là bản LAV-L chuyên cho hậu cần, với khoang trống phía sau mang được ba tấn hàng hóa, thường là đạn dược. Khác mẫu LAV-C2, các xe LAV-L được lắp một súng máy cỡ nòng 7,62 mm để tự vệ.
Phiên bản xe cứu kéo LAV-R trang bị cần cẩu thủy lực nâng được ba tấn hàng, cùng trục quay với sức kéo tới 15 tấn, đủ sức kéo những xe LAV-25 gặp trục trặc khác.
Nhiều phiên bản vũ trang hạng nặng cũng được chế tạo. LAV-AT trang bị tháp pháo với hai tên lửa chống tăng TOW, cùng 14 quả đạn sẵn sàng nạp. Bên cạnh đó là mẫu LAV-M trang bị cối 81 mm và LAV-AD phòng không với một pháo Gatling 25 mm cùng 4 tên lửa Stinger.
Xe LAV-AT tập bắn đạn thật.
LAV-25 tham chiến lần đầu tại Panama vào năm 1989, khi USMC được triển khai trong chiến dịch quân sự nhằm vào chính quyền của tướng Manuel Noriega. Khả năng cơ động cao cho phép LAV-25 di chuyển nhanh trên các con phố, thậm chí tự vượt qua kênh đào Panama.
Tới năm 1990, đơn vị LAV-25 thuộc Sư đoàn thủy quân lục chiến số 1 được điều tới Arab Saudi, phục vụ chiến dịch Lá chắn Sa mạc và Bão táp Sa mạc. Các xe LAV-25 đóng vai trò trinh sát tiền phương, nhận dạng lực lượng Iraq phía trước sư đoàn Mỹ. Trong một số trường hợp, LAV-25 và LAV-AT còn trực tiếp đối đầu với các đơn vị tăng thiết giáp và bộ binh cơ giới Iraq.
Các tiểu đoàn LAV tiếp tục tham chiến tại Iraq vào năm 2003, sau khi được bố trí thành những đơn vị thiết giáp trinh sát hạng nhẹ để phù hợp với yêu cầu chiến trường mới. Phiến quân Iraq gọi LAV-25 là "những kẻ hủy diệt", do khả năng tấn công bất ngờ và hỏa lực áp đảo của chúng.
Vào giữa thập niên 2000, 893 chiếc LAV còn trong biên chế Mỹ được nâng cấp lên chuẩn A2. Mẫu LAV-25A2 có giáp dày hơn và chống được đạn 14,5 mm bắn thẳng, hệ thống treo giảm xóc và dập lửa mới, cùng kính ngắm nhiệt cải tiến (ITSS) cho trưởng xe và xạ thủ.
Dòng xe LAV có thể còn phục vụ trong biên chế USMC thêm nhiều năm nữa, nhất là khi chưa có mẫu thiết giáp hạng nhẹ nào có hỏa lực và khả năng phòng vệ vượt trội. Tuy nhiên, mối đe dọa từ các xe chiến đấu thế hệ mới trang bị pháo 30 và 57 mm có thể khiến LAV mất dần vị thế, buộc Mỹ phải tìm kiếm thiết kế mới trong tương lai gần.
Tử Quỳnh