Tàu ngầm USS Jimmy Carter thuộc lớp Seawolf
Cuối thập niên 1980, hải quân Mỹ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong lòng biển. Liên Xô khi đó đã mua được hệ thống máy phay 9 trục của tập đoàn Toshiba Nhật Bản thông qua một công ty Na Uy, giúp chế tạo chân vịt tốt hơn cho tàu ngầm. Kết quả là tàu ngầm Đề án 941 "Schuka-B" của Liên Xô có độ ồn thấp hơn hẳn các thế hệ trước, cùng khả năng lặn sâu gấp ba lần lớp Los Angeles tối tân của Mỹ khi đó, theo National Interest.
Để đối phó với mối đe dọa của lớp Schuka-B, Mỹ bắt đầu phát triển tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf, trang bị vỏ hợp kim thép HY-100 dày 5 cm, nhằm tăng khả năng chịu áp suất ở độ sâu lớn, giúp chúng lặn sâu tới 600 m, gấp ba lần lớp Los Angeles và ngang ngửa Đề án 941 của Liên Xô.
Seawolf dài 107,6 m và rộng 12 m, có lượng giãn nước tới 12.158 tấn. Mỗi tàu được trang bị một lò phản ứng hạt nhân Westinghouse S6W, tạo ra hơi nước cho hai cụm turbine với công suất tối đa 52.000 mã lực. Đây là lớp tàu ngầm đầu tiên của Mỹ sử dụng hệ thống đẩy phản lực dòng nước (pump-jet), tính năng sau này được ứng dụng trên lớp Virginia tối tân. Tàu ngầm lớp Seawolf có tốc độ tối đa 65 km/h, cùng khả năng duy trì yên lặng ở tốc độ tới 37 km/h.
Cảm biến chính của lớp Seawolf là hệ thống định vị thủy âm (sonar) BQQ-5D, gồm một sonar chủ động/thụ động hình cầu có đường kính 7,3 m ở mũi, cùng hàng loạt cụm sonar khẩu độ rộng ở hai bên thân. Phía đuôi tàu được lắp hệ thống sonar kéo TB-29A, cùng cụm trinh sát BQS-24 để phát hiện các vật thể ở gần như thủy lôi.
Với vai trò chính là săn lùng tàu ngầm Liên Xô, tàu ngầm Seawolf được trang bị tới 8 ống phóng ngư lôi, gấp đôi các thế hệ trước đó. Một chiếc Seawolf có thể mang 50 quả đạn các loại, gồm ngư lôi hạng nặng Mark 48, tên lửa chống hạm UGM-84 Harpoon, tên lửa hành trình Tomahawk và thủy lôi.
Hải quân Mỹ tuyên bố lớp Seawolf có độ ồn thấp hơn 10 lần lớp Los Angeles cải tiến, hoặc 70 lần so với phiên bản Los Angeles nguyên gốc. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho uy lực lớn là chi phí chế tạo rất cao.
Chương trình Seawolf có tổng chi phí 33 tỷ USD cho 12 tàu ngầm, con số quá cao với chính phủ Mỹ, nhất là khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Dự án đóng tàu Seawolf bị rút xuống chỉ còn ba chiếc với tổng chi phí 7,3 tỷ USD.
Việc đội giá và bị cắt giảm số lượng tàu khiến Seawolf được mệnh danh là "tiêm kích F-22 dưới biển", khi chúng có số phận tương tự mẫu tiêm kích tàng hình F-22 hiện đại nhưng có chi phí quá cao khiến số lượng sản xuất ra bị hạn chế đáng kể.
Lớp Seawolf được coi là những tàu ngầm tốt nhất thế giới, nhưng chỉ có thể phát huy ưu thế trong Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ sẵn sàng bỏ nhiều tiền để đối phó với mối đe dọa từ Liên Xô. Thay đổi địa chính trị sau năm 1991 khiến hải quân Mỹ tập trung vào lớp Virginia, có tính năng thua kém nhưng mức giá thấp hơn nhiều.
Dù chỉ có ba chiếc được chế tạo, lớp Seawolf vẫn là thành phần quan trọng của hạm đội tàu ngầm Mỹ, với những tính năng mà lớp Virginia hiện nay cũng không sánh nổi, chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhận định.
Tử Quỳnh