Điều 609 Bộ luật dân sự năm 2015 cho phép "cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình". Vì vậy, việc lập di chúc để định đoạt tài sản sau khi chết là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, theo khoản 4 Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015, người lập di chúc có quyền "giao nghĩa vụ cho người thừa kế". Như vậy, nghĩa vụ của người thừa kế được giao trong trường hợp này là không được bán hoặc cho tặng người không cùng dòng họ.
Tuy nhiên, đối với điều kiện nêu trên rất khó để kiểm soát việc người thừa kế có thực hiện theo đúng ý nguyện của người để lại di sản hay không. Bởi theo quy định của pháp luật, người thừa kế có quyền làm thủ tục để đăng ký sang tên quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở mà họ được nhận theo di chúc.
Khi đã trở thành chủ sở hữu căn nhà, họ sẽ có toàn quyền của sở hữu theo quy định của pháp luật, bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Việc bán hay không bán khối tài sản lúc này là quyền của chủ sở hữu, sử dụng mới, không chịu một yếu tố ràng buộc nào cả.
Mặt khác, các cơ quan thực hiện thủ tục sang tên này cũng không ghi nhận điều kiện chuyển nhượng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận).
Như vậy, việc tôn trọng di nguyện của bố bạn để lại là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức chứ không thuộc các trường hợp hạn chế quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Do đó, việc gia đình bạn được thừa kế nhà đất nhưng lại không được chuyển nhượng cho người không cùng dòng họ là việc khó thực hiện được trên thực tế.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội