Ngày 15/3, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay kinh phí nghiên cứu tiền khả thi sẽ được thanh toán theo kế hoạch vốn hàng năm, thời gian thực hiện từ 2021 đến 2022.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận sẽ phối hợp với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - đơn vị đang quản lý tuyến cao tốc, đề xuất cơ chế đầu tư phù hợp quy định.
Tháng 10/2020, Tổng công ty Cửu Long (tiền thân của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận) đã trình Bộ Giao thông Vận tải phương án đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây để giải quyết ùn tắc và đáp ứng nhu cầu phương tiện tăng trên tuyến này.
Đoạn mở rộng được đề xuất dài 24 km trong tổng 55 km toàn tuyến. Điểm đầu từ cầu Bà Dạt (quận 2, TP HCM) đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (huyện Long Thành, Đồng Nai). Đoạn này mở rộng mặt đường gấp đôi hiện nay, từ 4 lên 8 làn xe. Phần còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây, dài 31 km giữ nguyên.
Các nút giao trên tuyến như An Phú, vành đai 3, quốc lộ 51 cũng sẽ được nghiên cứu kết nối đồng bộ với mở rộng cao tốc.
Tổng kinh phí mở rộng cao tốc dự kiến khoảng 9.976 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 300 tỷ đồng. Tổng công ty Cửu Long hiện kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét phương án đầu tư công và làm việc với cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đề xuất tài trợ vốn ODA cho dự án.
Tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây do VEC làm chủ đầu tư, dài 55 km, được đưa vào khai thác từ tháng 2/2015. Tuyến cao tốc này đang có dấu hiệu mãn tải, nguy cơ ùn tắc sẽ trầm trọng hơn sau khi sân bay Long Thành hoạt động vào năm 2025.