Ban này được lập theo quyết định ngày 6/10 của Thủ tướng Phạm Minh Chính, sẽ tham mưu Chính phủ, Thủ tướng nghiên cứu, phối hợp giải quyết các công việc trong quá trình xây dựng đề án trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Ngoài Trưởng ban chỉ đạo, thì Phó ban là Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ủy viên là lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Bộ Thông tin & Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ và UBND TP HCM, Đà Nẵng.
TP HCM và Đà Nẵng đã nghiên cứu bước đầu việc thành lập trung tâm tài chính. Bộ Kế hoạch & Đầu tư hồi tháng 5 cho biết đang cùng hai địa phương trên nghiên cứu thận trọng. Song theo lãnh đạo Bộ này, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế TP HCM là vấn đề "rất lớn và khó".
Việc xây dựng đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế lần này sẽ phải đảm bảo khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, cũng như TP HCM, Đà Nẵng.
Theo dự thảo TP HCM đưa ra đầu năm 2022, mô hình trung tâm tài chính quốc tế gồm 3 cấu phần: thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; thị trường vốn; thị trường hàng hóa phái sinh.
Để triển khai, thành phố xây dựng 4 chương trình hành động cụ thể gồm: phát triển Fintech, ngân hàng số và giao dịch tài chính số; hội nhập khu vực cho trung tâm tài chính; phát triển Khu tài chính - Thương mại Thủ Thiêm; phát triển thị trường hàng hóa.
Trung tâm tài chính TP HCM được phác thảo sẽ có khu giải trí, casino nhưng không đặt trọng tâm mà chỉ coi đây là yếu tố tăng tính hấp dẫn nhà đầu tư. Thành phố đưa ra lộ trình triển khai trung tâm tài chính quốc tế theo 3 giai đoạn đến năm 2030.