Việc xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế từng được đề cập cách đây 20 năm, gần đây TP HCM tiếp tục đề xuất Thủ tướng nhưng đến nay ý tưởng này vẫn nằm trên giấy. Tại dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển thành phố có nêu nội dung giao Chính phủ trình Quốc hội thí điểm một số chính sách đột phá để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/5 cho rằng chưa đủ căn cứ để đưa nội dung này vào dự thảo nghị quyết này. "Không nên đưa vào nội dung nghị quyết những vấn đề chưa rõ căn cứ, chưa rõ nội hàm chính sách", bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách nói.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cũng cho rằng TP HCM cần xây dựng đề án riêng về xây dựng trung tâm tài chính do đây là vấn đề lớn, không đưa quy định chung chung vào dự thảo nghị quyết.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết TP HCM, Đà Nẵng đã nghiên cứu bước đầu việc thành lập trung tâm tài chính và hiện Bộ này đang cùng hai địa phương trên nghiên cứu thận trọng. Song ông nhìn nhận, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế TP HCM là vấn đề "rất lớn và khó".
"Hiện chúng tôi đang lúng túng, chưa rõ khái niệm, phạm vi, nguồn lực, mô hình, điều kiện cần và đủ để hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM. Bộ sẽ nghiên cứu kỹ, báo cáo Quốc hội thời gian tới", Bộ trưởng Dũng nói. Ông cũng đồng tình việc bỏ nội dung về trung tâm tài chính quốc tế khỏi dự thảo nghị quyết lần này.
Trước đó, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị cũng đưa ra định hướng xây dựng cơ chế đặc thù để phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chính phủ, thành phố nên xây dựng đề án riêng theo chủ trương Nghị quyết 31, không đưa chung vào dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù lần này.
Ông phân tích, thế giới có hai cách tiếp cận về xây dựng trung tâm tài chính. Với TP HCM, hiện chưa rõ nội hàm sẽ xây dựng thành phố thành một trung tâm tài chính hay xây dựng một trung tâm tài chính trong thành phố.
"Chủ trương đã có thì ta cứ làm, không nhất thiết phải quy định vào nghị quyết để tránh xung đột pháp lý sau này, vì nếu vướng mắc lại không gỡ được", Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo bản dự thảo TP HCM đưa ra đầu năm ngoái, mô hình trung tâm tài chính quốc tế gồm 3 cấu phần: thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; thị trường vốn; thị trường hàng hóa phái sinh.
Để triển khai, thành phố xây dựng 4 chương trình hành động cụ thể gồm: phát triển Fintech, ngân hàng số và giao dịch tài chính số; hội nhập khu vực cho trung tâm tài chính; phát triển Khu tài chính - Thương mại Thủ Thiêm; phát triển thị trường hàng hóa.
Trong các chương trình này có đề xuất cho phép hình thành ngân hàng số 100%, độc lập và thành lập Sở giao dịch hàng hóa phái sinh. Trung tâm tài chính TP HCM được phác thảo sẽ có khu giải trí, casino nhưng không đặt trọng tâm mà chỉ coi đây là yếu tố tăng tính hấp dẫn nhà đầu tư. Thành phố đưa ra lộ trình triển khai trung tâm tài chính quốc tế theo 3 giai đoạn đến năm 2030.
Cũng theo dự thảo nghị quyết cơ chế đặc thù, Chính phủ đề xuất lập Sở An toàn thực phẩm TP HCM trên cơ sở tách từ 3 Sở: Y tế, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Công Thương.
Trưởng Ban Công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Nguyễn Thị Thanh đồng tình việc lập sở này. Tuy nhiên bà lưu ý, do được tách từ 3 cơ quan đã có từ trước nên TP HCM cần đánh giá kỹ tác động, cơ chế và vận hành Sở An toàn thực phẩm.
Góp ý vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói nếu thành lập thêm Sở An toàn thực phẩm như một số sở khác thì theo thẩm quyền Chính phủ cần báo cáo Bộ Chính trị, không nhất thiết phải báo cáo với Quốc hội.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho biết việc lập sở này khác với một số quy định hiện hành tại các luật liên quan, nên phải đưa vào nghị quyết của Quốc hội.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ báo cáo rõ mô hình, hiệu quả hoạt động của các công ty đầu tư tài chính, cân nhắc nghiên cứu mô hình chuyển thành quỹ đầu tư phát triển thành phố. Ông lưu ý, các chính sách mới cần được đánh giá kỹ tác động, tránh dàn trải, thiếu trọng tâm.
Tiếp thu các góp ý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói sẽ cùng TP HCM, các cơ quan của Quốc hội rà soát, điều chỉnh dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự kiến khai mạc ngày 22/5.