Trưởng đoàn là các lãnh đạo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, sẽ đi kiểm tra tại 4 vùng Đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long.
Mỗi đoàn sẽ kiểm tra ít nhất một bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, một bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh và một bệnh viện/trung tâm y tế huyện.
Mục tiêu thành lập 4 đoàn kiểm tra lần này là nhằm ghi nhận thực trạng cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại một số bệnh viện. Đồng thời các đoàn khảo sát tác động của việc thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ảnh hưởng tới chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh, nhân viên y tế.
"Việc kiểm tra sẽ giúp xác định được khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất giải pháp cho các cấp quản lý trung ương, địa phương khắc phục tình trạng thiếu thốn này", đại diện Bộ Y tế nêu.
Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trở nên nghiêm trọng trên toàn quốc. Tại Hà Nội, người bệnh phản ánh bệnh viện thiếu các vật dụng cơ bản như kim luồn và các thuốc điều trị ít gặp; TP HCM thiếu thuốc cục bộ tại một vài đơn vị như Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy...
Báo cáo của các tỉnh thành khác gửi về Bộ Y tế cho thấy nhiều thuốc kháng sinh điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tim mạch, tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền... cũng khan hiếm, ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh của người dân.
Bộ Y tế cho rằng nguyên nhân thiếu thuốc một phần do tình trạng hết hạn số đăng ký lưu hành của một số loại thuốc, nhân lực quản lý nhà nước quá ít, khó khăn trong xử lý hồ sơ. Ngoài ra, việc chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá thuốc; một số địa phương giao các cơ sở chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung, nên các đơn vị lúng túng, e ngại... cũng tạo tình trạng thiếu thuốc.
Trong khi đó, tại phiên thảo luận của Quốc hội về Luật khám, chữa bệnh hôm 13/6, đại biểu Nguyễn Công Long (Thường trực Ủy ban Tư pháp) cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng thiếu thuốc là do luật pháp y tế không rõ ràng. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Huyết học Truyền máu Trung ương) nhấn mạnh: "Hoạt động khám chữa bệnh đang bị ảnh hưởng rất lớn. Thiệt thòi lớn nhất đã xảy ra cho chính bệnh nhân, cho chính người dân. Cán bộ y tế chúng tôi đang nhìn thấy và rất đau lòng. Chúng tôi muốn làm nhưng vì thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp nên không thể".
Để tháo gỡ tình trạng trên, gần 10.000 loại thuốc đã được gia hạn giấy đăng ký lưu hành. Bộ Y tế cũng có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ nhiều quy định liên quan, đặc biệt quy định về mua sắm, đấu thầu. Mới nhất vào hôm 5/8, Bộ công bố kết quả lựa chọn nhà thầu của ba gói mua thuốc tập trung cấp quốc gia với tổng giá trị gần 6.300 tỷ đồng. Các động thái này của Bộ Y tế được kỳ vọng giải "cơn khát" thuốc điều trị.