Sáng 13/6, thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Công Long (Thường trực Ủy ban Tư pháp) cho rằng dự án luật được xem xét trong bối cảnh ngành y tế đang trải qua khủng hoảng. Trong lúc dịch bệnh Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đang rất khó khăn thì tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra ở nhiều nơi.
"Nhiều người trong hệ thống y tế không dám đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế bởi sợ sai, sợ vi phạm", ông Long nói, thêm rằng thể chế pháp luật không rõ ràng được cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này phải giải quyết những bất cập trong hệ thống y tế, như mô hình kiêm nhiệm giữa chuyên môn và điều hành bệnh viện công. "Trên thế giới, có lẽ chỉ Việt Nam là một trong số ít nước áp dụng mô hình này", ông nói.
Theo ông Long, giám đốc bệnh viện công trước hết phải giỏi chuyên môn y khoa, trải qua quá trình phấn đấu lâu dài, từ bác sĩ cấp khoa phòng đi lên. Tuy nhiên, họ lại không được đào tạo bài bản về kỹ năng quản lý, điều hành, quản trị hoạt động bệnh viện. Điều này dẫn đến bất cập trong quản lý nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị y tế, khiến chất lượng dịch vụ kém, hoạt động khám chữa bệnh thiếu chuyên nghiệp. Các trường y chủ yếu tập trung đào tạo chuyên ngành, không chú trọng quản lý bệnh viện.
Vị đại biểu tỉnh Đồng Nai cho rằng, không chỉ đến khi xảy ra tình trạng hàng loạt lãnh đạo bệnh viện công sai phạm, bị xử lý hình sự thì những bất cập mới bộc lộ. Từ năm 1945 đến nay, ngành y luôn có hiện tượng người giỏi chuyên môn y khoa khi được cất nhắc làm lãnh đạo buộc phải lựa chọn hoặc làm chuyên môn, hoặc làm quản lý.
Giáo sư Tôn Thất Tùng từng xin thôi làm lãnh đạo để tập trung chuyên môn. "Nếu ông làm quản lý thì biết đâu thế giới đã không có nhà phẫu thuật gan nổi tiếng Tôn Thất Tùng", ông Long dẫn chứng.
Mới đây, một bác sĩ đã từ chối làm giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị để tập trung chuyên môn, nghiên cứu. Bác sĩ vừa làm quản lý vừa làm chuyên môn thì rất áp lực và khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Lẽ ra bác sĩ khi vào phòng mổ chỉ tập trung chuyên môn cứu chữa người bệnh. Nếu kiêm nhiệm quản lý, họ sẽ bị phân tâm bởi gói thầu A, hợp đồng B. Trong các gói thầu, hợp đồng đó lại có vô số lợi ích đan xen, nếu không giải quyết được các mối quan hệ hoặc không thắng được cám dỗ thì "vào tù chỉ là sớm hay muộn".
Nhiệm kỳ trước, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh cơ chế tự chủ với các đơn vị sự nghiệp, y tế công lập. Bệnh viện công sẽ được tự chủ tài chính, thành lập bộ máy quản lý là Hội đồng điều hành, quản lý bệnh viện. Các bệnh viện có thể thuê CEO (giám đốc điều hành). Họ không cần giỏi chuyên môn mà giỏi về quản lý, điều hành để tạo đột phá nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo cơ chế minh bạch, phù hợp với xu thế thế giới. Cơ chế này sẽ trả lại sứ mệnh thiêng liêng của bác sĩ là chăm sóc, cứu chữa người bệnh. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế này chưa hiệu quả do gặp hai rào cản là thể chế và nhận thức.
"Về nhận thức, trước thực trạng đã và đang diễn ra, việc đổi mới quản lý bệnh viện là cấp thiết. Những ai còn vấn vương quyền hạn, chức ghế giám đốc thì đã có những bài học cảnh tỉnh. Còn về thể chế, nếu không sửa đổi, bổ sung cơ chế trên vào dự thảo luật lần này thì không biết đến bao giờ chúng ta mới giải quyết được bất cập?", đại biểu Long nói.
Sau hàng loạt vụ án, ngành y tế rất nỗ lực trong khâu nhân lực, đơn cử một cán bộ kiểm toán được điều sang làm Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Có bệnh viện bổ nhiệm hai giám đốc, người phụ trách chuyên môn, người phụ trách tài chính. Tuy nhiên, ông Long cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế, không phải tổng thể cho việc quản lý nhân lực y tế và tình hình các bệnh viện công hiện nay.
Vì vậy, ông đề xuất ban soạn thảo bổ sung quy định hoạt động chuyên môn và quản lý bệnh viện công; quy chuẩn, tiêu chuẩn hóa các chức danh quản lý, điều hành. Luật cũng cần quy định xem xét nhân lực quản lý là tiêu chí bắt buộc đánh giá chất lượng bệnh viện, theo tiêu chuẩn chung thế giới. Chính phủ tiếp tục đề xuất mô hình tự chủ tài chính và tự chủ bộ máy cho các bệnh viện công theo kế hoạch đã nghiên cứu trước đây.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Huyết học Truyền máu Trung ương) cho rằng, 40 năm làm nghề y, chưa bao giờ ông thấy luật pháp về y tế lại bị khủng hoảng, thiếu hụt và không cập nhật như hiện nay. Yêu cầu khám chữa bệnh của xã hội tăng cao, y học phát triển quá nhanh, áp lực khám chữa bệnh thì vẫn luôn là "cứu bệnh như cứu hỏa". Đặc biệt, hơn hai năm qua, đại dịch Covid-19 làm sức khỏe nhân dân bị tổn thương nặng nề, yêu cầu "chống dịch như chống giặc" đã bộc lộ tính bất cập của hệ thống luật pháp y tế hiện hành.
Cán bộ y tế đã và đang gồng mình chống dịch. Họ làm ngày làm đêm bất chấp nguy hiểm, khó khăn. Dù vậy, đi giám sát với Ủy ban Xã hội, ông được biết tại tỉnh Quảng Ninh, một đêm trực trong thời kỳ dịch của cán bộ y tế cơ sở chỉ được thù lao 18.600 đồng. "Những quy định của luật pháp không còn phù hợp để chống dịch đã bó tay ngành y, không thỏa đáng với những gì cán bộ y tế đang đóng góp. Hàng nghìn cán bộ, đặc biệt là y tế cơ sở đã xin thôi việc cũng có nguyên nhân từ đó", ông Trí nói.
Theo vị đại biểu Hà Nội, cũng do luật bị thiếu, sơ hở, còn lỏng lẻo nên lòng tham của một số ít người là cán bộ y tế có cơ hội trỗi dậy. Họ "trục lợi, xà xẻo, chấm mút, chia chác. Cơn bão Việt Á đã nổi, người xấu đã và đang bị lôi ra ánh sáng và bị xử lý". Y tế cả nước chao đảo. Những "chiến binh áo trắng kiên cường" trong chống dịch Covid-19, trong hoạt động bảo vệ sức khỏe nhân dân nay "đang bải hoải, buông tay" đứng nhìn...
Hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư, sinh phẩm... đang bị đứt gãy nghiêm trọng vì các nhà thầu dè dặt cung cấp, vì công ty tư vấn thẩm định hoặc tan vỡ hoặc tạm nghỉ. Cùng với đó, việc phê duyệt của các cơ quan quản lý như Sở, Bộ Y tế đang bị đình đốn vì "còn bận phải làm những việc quan trọng hơn, sinh tử với chính họ, như giải trình phục vụ cho công tác thanh tra, điều tra"...
"Hoạt động khám chữa bệnh đang bị ảnh hưởng rất lớn. Thiệt thòi lớn nhất đã xảy ra cho chính bệnh nhân, cho chính người dân. Cán bộ y tế chúng tôi đang nhìn thấy và rất đau lòng", ông nói, nhấn mạnh "cán bộ y tế muốn làm nhưng vì thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp nên không thể".
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) cũng cho rằng một trong những nguyên nhân khiến xã hội hóa lĩnh vực y tế xảy ra nhiều sai phạm là do chưa có hành lang pháp lý hoàn thiện. Các bệnh viện và đơn vị tư nhân tham gia có nhiều rủi ro, dễ lợi dụng, cấu kết để hình thành nhóm lợi ích, gây thiệt hại cho bệnh nhân và nhà nước.
Hiện nay, tiến trình xã hội hóa lĩnh vực y tế "gần như đang đặt ở nút tạm dừng". Hoạt động mua sắm trang thiết bị để nâng cao chất lượng ngành y "đang bị đóng băng", bởi không ai dám triển khai, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao.
Vì vậy, bà Thủy kiến nghị cần có quy định cụ thể về nguyên tắc, yêu cầu đặc thù xã hội hóa lĩnh vực y tế; có cơ chế kiểm soát, chống biến tướng, lợi ích nhóm; khuyến khích xã hội hóa y tế ở nơi khó khăn.
Giải trình trước Quốc hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói vấn đề xã hội hóa, liên doanh liên kết trong các bệnh viện công được đại biểu và anh em ngành y tế rất quan tâm và cần có giải pháp đột phá. Đến nay cả nước có 318 bệnh viện tư thục, 38.000 phòng khám tư nhân, đáp ứng được 5,16% tổng số giường bệnh, là "tỷ lệ rất thấp".
Tuy nhiên, việc xã hội hóa y tế không chỉ liên quan đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh mà còn nhiều luật khác. "Liên doanh, liên kết trong bệnh viện công lập là đặc thù với Việt Nam. Tại các nước, công là công, tư là tư. Rất khó có thể áp dụng kinh nghiệm quốc tế ở Việt Nam. Mô hình liên doanh, liên kết thực sự giải quyết bài toán thực tế của Việt Nam, nhưng tới đây luật cần quy định rõ hơn, yêu cầu công khai, minh bạch các khoản thu từ khám chữa bệnh theo yêu cầu", Phó thủ tướng nói.
Dự án luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) được Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội lần đầu, dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm.