Anh Trọng ở trọ tại ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, là trụ cột của gia đình 5 người gồm mẹ, vợ và hai con nhỏ. Trước đây trung bình mỗi ngày anh kiếm được 200.000 đồng từ chạy xe ôm công nghệ. Nhưng khi dịch bùng phát, thành phố siết giãn cách, ít người đi, có khi cả ngày anh không chạy được chuyến nào. Đầu tháng 7, phần vắng khách và khu trọ lại bị phong toả kéo dài do phát hiện ca nhiễm, anh tắt ứng dụng, chấp nhận ở nhà.
Vốn chạy ăn hàng ngày, lại không có tiền tích trữ nên khi ngưng chạy xe cuộc sống gia đình anh Trọng rơi vào túng thiếu. Vợ mới sinh, ăn uống kham khổ nên không đủ sữa cho con bú. Để kiếm tiền mua sữa, tã bỉm cho con, trả tiền nhà... ông bố trẻ đánh liều vay 5 triệu đồng, mỗi tháng trả lãi 500.000 đồng với lời hứa qua dịch đi làm sẽ trả đủ.
Nam tài xế kể mới đây gọi điện về quê ở Đăk Lăk, người nhà thắc mắc thành phố hỗ trợ mỗi lao động tự do 1,5 triệu đồng sao không lĩnh mà lại đi vay khiến anh không biết trả lời sao. "Tôi có nghe xe ôm được hỗ trợ nhưng đến giờ chưa thấy", anh Trọng nói, tay nhặt mớ rau muống vừa được tiếp tế cho bữa cơm trưa.
Cũng như anh Trọng, mẹ con bà Trần Thị Ngọc Nhân, 51 tuổi, thuê trọ tại khu phố 1A, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 đang ngóng tiền hỗ trợ gần 2 tháng qua. Bà Nhân trước đây bán vé số dạo. Gần một năm qua, bà mắc chứng suy giãn tĩnh mạch, đi lại khó khăn nên xin rửa chén thuê cho nhà hàng gần chỗ ở, lương tính theo ngày, không hợp đồng lao động.
Dịch bùng phát, thành phố giãn cách xã hội, nhà hàng đóng cửa, bà Nhân thất nghiệp. Ba tuần trước, tổ trưởng khu phố đến lấy danh sách để xem xét hỗ trợ 1,5 triệu đồng nhưng đến nay bà chưa nhận được. Tháng trước, bà vét sạch túi được 1,4 triệu đồng trả tiền phòng. Chủ nhà giảm 30% nên dư một ít, hai mẹ con tằn tiện không dám tiêu, thức ăn hàng ngày trông vào đồ cứu trợ.
"Đến hôm nay tôi còn đúng 37.000 đồng", người mẹ đơn thân nói và cho biết không còn cách nào khác bà và hai phòng kế bên sẽ lên xin chủ nhà cho nợ tiền phòng tháng này. Hai gia đình hàng xóm làm nghề chạy xe ôm, may gia công cũng thất nghiệp gần hai tháng qua, ai cũng mong sớm nhận được sự quan tâm của thành phố.
Trong lần bùng phát dịch lần thứ tư, TP HCM triển khai hai gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Ở gói thứ nhất cuối tháng 6 với tổng số tiền 886 tỷ đồng hỗ trợ nhiều nhóm ngành nghề, đến nay đã có hơn 311.000 lao động tự do (mỗi người nhận 1,5 triệu đồng) được giúp đỡ với tổng kinh phí 467 tỷ đồng. Gói hỗ trợ lần hai hơn 900 tỷ đồng, thành phố dự kiến 344.000 lao động tự do mỗi người nhận 1,5 triệu đồng, tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng.
Ông Lâm Quân Minh Vương, Chủ tịch UBND phường Đông Hưng Thuận, quận 12, cho biết tất cả lao động tự do trên địa bàn đều được tổ dân phố lập danh sách gửi về UBND phường. Sau đó, tùy vào từng đợt triển khai gói hỗ trợ, hội đồng xét duyệt phường sẽ lựa chọn, thẩm định, gửi danh sách lên cấp trên. Quận sẽ tổng hợp tất cả các phường, duyệt lại một lần nữa rồi chuyển lên thành phố, sau đó kinh phí mới được rót về.
"Không phải ở dưới đề xuất bao nhiêu sẽ được duyệt bấy nhiêu", ông Vương nói và cho biết lao động tự do được hỗ trợ phải nằm trong 6 nhóm nghề quy định của Nghị quyết 09. Ngoài ra, số lao động được xét duyệt nhiều hay ít còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí rót về địa phương. Những người chưa nhận được sẽ chờ đợt sau hoặc có hình thức giúp đỡ khác.
Phó chủ tịch UBND quận 12 Võ Thị Chính cho hay thủ tục hỗ trợ đối với nhóm lao động tự do thuộc Nghị quyết 09 rất đơn giản. Người dân không phải làm đơn hay xác nhận nơi cư trú, chỉ cần đang sinh sống trên địa bàn, có hoàn cảnh khó khăn sẽ được giúp đỡ. Ở đợt hỗ trợ lần một, địa phương đã phê duyệt hơn 26.000 trường hợp đủ điều kiện, chi trả trên 39 tỷ đồng.
"Trên địa bàn, nhiều lao động tự do cũng gặp khó khăn nhưng chưa được hỗ trợ do làm các công việc ngoài 6 nhóm nghề Nghị quyết 09 quy định", bà Chính nói và cho biết những trường hợp này quận sẽ xem xét đưa vào diện lao động nghèo ở xóm trọ, khu phong tỏa, hỗ trợ ở gói hỗ trợ lần hai. Trường hợp bà Nhân và anh Trọng có thể sẽ thuộc vào diện hỗ trợ này.
Tại cuộc họp báo diễn ra hôm qua, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM Lê Minh Tấn cho biết, đến nay gói hỗ trợ thứ nhất cơ bản hoàn thành. Ở đợt thứ hai đang triển khai, thành phố mở rộng thêm nhóm được hỗ trợ nhằm không bỏ sót người nghèo, gặp khó khăn cần giúp đỡ, theo chỉ đạo của UBND TP HCM.
Theo đó, ngoài 344.000 lao động tự do, đợt này còn có thêm 90.500 hộ nghèo, cận nghèo nhận, mỗi hộ sẽ nhận 1,5 triệu đồng, tổng kinh phí 150 tỷ đồng. 170.000 lao động nghèo, khó khăn ở nhà trọ, trong khu cách ly được hỗ trợ 1,5 triệu mỗi người, tổng số tiền 254 tỷ đồng. Việc giải ngân phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/8.
Ông Tấn lưu ý việc hỗ trợ chỉ áp dụng cho người dân thật sự khó khăn, không phân biệt thường trú, tạm trú. Số tiền giúp đỡ sẽ chuyển qua tài khoản ngân hàng hoặc trao trực tiếp với người không có tài khoản. Những hộ nghèo, cận nghèo, hộ lao động khó khăn có từ 3 nhân khẩu trở lên sẽ được ưu tiên trước.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho hay thành phố chủ trương giúp đỡ tất cả người dân khó khăn bằng nhiều cách khác nhau, chứ không chỉ những trường hợp theo Nghị quyết 09. Qua nhiều kênh thông tin, khi người dân phản ánh rất bí bách mà chưa được giúp đỡ, thành phố chỉ đạo địa phương liên hệ trực tiếp giải quyết ngay.
Mới đây, thành phố cũng đưa vào vận hành Trung tâm tiếp nhận và phân phối hàng hoá hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 ở 3 cấp (thành phố, quận huyện và phường xã) để kịp thời giúp đỡ người dân.
Theo Phó bí thư Thành ủy Phan Văn Mãi, việc hỗ trợ người dân không chỉ dừng lại ở một tuần mà sẽ thực hiện nhiều tuần, nhiều tháng tới. Thành phố huy động mọi nguồn lực từ người dân thành phố, cả nước, bằng ngân sách và cả những quỹ dự trữ khi cần thiết.
Nghị quyết 09 của HĐND TP HCM quy định, lao động tự do mất việc vì dịch sẽ được hỗ trợ nếu làm một trong 6 loại công việc: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán vé số dạo; làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm việc thuộc ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 1749 ngày 30/5/2021. Mỗi người được hỗ trợ 50.000 đồng/ngày.
Lê Tuyết - Hữu Công