Thời gian qua, hàng loạt những sai phạm của các doanh nghiệp liên quan đến phát hành trái phiếu đã và đang bị xử lý, từ đó dẫn đến tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư, mong muốn được hoàn trả lại các khoản tiền đã đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Việc rút một nguồn vốn lớn và đột ngột khỏi thị trường trái phiếu sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế, đồng thời nếu không giải quyết thỏa đáng sẽ gây ra tâm lý e ngại, loại trừ trái phiếu ra khỏi danh mục đầu tư.
Do đó, chúng ta cần hiểu đúng về trái phiếu cũng như những vấn đề đang diễn ra đối với thị trường trái phiếu hiện nay, qua đó hoàn thiện thực tiễn và quy định để xây dựng một thị trường trái phiếu phát triển một cách ổn định và lành mạnh.
Bản chất của trái phiếu doanh nghiệp
Trước hết cần khẳng định trái phiếu doanh nghiệp là một kênh đầu tư. Đầu tư là việc nhà đầu tư bỏ vốn và các nguồn lực ban đầu để thực hiện hoạt động kinh doanh nhằm đạt được lợi nhuận, có thể tồn tại dưới dạng đầu tư trực tiếp, nghĩa là nhà đầu tư trực tiếp thực hiện hoạt động kinh doanh, hoặc đầu tư gián tiếp, là nhà đầu tư không trực tiếp thực hiện hoặc quản lý hoạt động kinh doanh mà chỉ cung cấp vốn cho doanh nghiệp.
Bản chất của trái phiếu doanh nghiệp, xét trên góc độ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, là một kênh đầu tư gián tiếp. Khác với những kênh đầu tư khác như vàng, tiền điện tử, và bất động sản, thì trái phiếu là một kênh đầu tư theo hình thức doanh nghiệp huy động vốn để thực hiện một mục đích nhất định và mục đích này phải được cung cấp cho nhà đầu tư trước để nhà đầu tư quyết định việc có hay không thực hiện hoạt động đầu tư. Như vậy, tư duy về trái phiếu doanh nghiệp phải gắn với tư duy về quản lý rủi ro đầu tư. Hay nói một cách đơn giản, đầu tư luôn gắn với rủi ro.
Để hạn chế rủi ro trong hoạt động đầu tư này, vốn của nhà đầu tư có thể dùng để đầu tư thông qua bên trung gian như các công ty quản lý quỹ (bằng cách mua chứng chỉ quỹ, sau đó các công ty quản lý quỹ sẽ thực hiện nghiệp vụ đầu tư), ngân hàng (gửi tiết kiệm, và ngân hàng kinh doanh tiền tệ)... Bằng các phương pháp này, rủi ro đầu tư sẽ chuyển từ nhà đầu tư sang cho các bên trung gian. Nhà đầu tư lúc này sẽ không biết và không cần tìm hiểu nhiều về đối tượng đầu tư. Tương ứng đổi lại, lợi tức nhận được từ khoản đầu tư sẽ ít hơn do phải bù trừ chi phí quản trị, rủi ro, lợi nhuận cố định của bên trung gian...
Để gia tăng lợi nhuận, cắt giảm chi phí trung gian cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp cần vốn, trái phiếu là một kênh đầu tư tiềm năng. Trái phiếu được sinh ra với mục đích đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư trực tiếp đầu tư vào đối tượng đầu tư (là các doanh nghiệp cần vốn) và bỏ qua các khâu trung gian (như ngân hàng, công ty quản lý quỹ...). Đổi lại, nhà đầu tư sẽ đối diện với nhiều rủi ro hơn. Như vậy, nhà đầu tư phải tự cân nhắc rủi ro và đánh giá mức độ an toàn đối với khoản đầu tư của mình. Tóm lại, phải hiểu trái phiếu là một sản phẩm đầu tư nhằm kết nối nhu cầu vốn và kinh doanh giữa cả nhà đầu tư và đối tượng đầu tư.
>> Ảo tưởng chứng khoán 'cứ mua là lời'
Để phân loại trái phiếu doanh nghiệp, về cơ bản có thể chia làm hai loại xét theo đối tượng được mua, đó là trái phiếu đại chúng và trái phiếu riêng lẻ. Trong đó trái phiếu riêng lẻ là trái phiếu chỉ bán cho những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, những người hiểu rõ về việc đầu tư của mình, còn trái phiếu đại chúng là phát hành và giao dịch thông qua hệ thống giao dịch có sự quản lý và kiểm soát của nhà nước, phải có giấy phép phát hành và niêm yết.
Về quy định điều chỉnh của pháp luật, khác với trái phiếu đại chúng có quy định khá chặt chẽ về điều kiện chào bán, niêm yết..., trái phiếu riêng lẻ chỉ được pháp luật bảo vệ rất giới hạn, theo đó "doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ", và nhà đầu tư phải "tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu. Nhà nước không đảm bảo việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và các quyền khác cho nhà đầu tư mua trái phiếu".
Thực trạng phát hành trái phiếu
Các sai phạm liên quan đến phát hành, mua bán trái phiếu vừa qua có thể nhận diện và định danh theo các nhóm như sau:
Thứ nhất, phát hành trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư không đủ điều kiện. Trước đây, tiêu chí nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được xác định là "cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 2 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán" hoặc "cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng". Các quy định tương đối đơn giản như vậy đã tạo kẽ hở làm phát sinh nhiều trường hợp "lách luật" để hợp thức hóa tư cách nhà đầu tư.
Để khắc phục tình trạng này, hiện nay, Nghị định 65/2022/NĐ-CP yêu cầu nhiều hơn về trách nhiệm của công ty chứng khoán trong việc xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đồng thời tiêu chí xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp giới hạn lại là "nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại". Đồng thời việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp chỉ có giá trị trong vòng ba tháng kể từ ngày được xác nhận, không phải xác nhận mang tính mãi mãi nữa.
>> 'Học cách cắt lỗ rồi hãy chơi chứng khoán'
Thứ hai, việc mua bán trái phiếu được thực hiện theo nghiệp vụ bán chéo sản phẩm trong ngân hàng. Tương tự như bán chéo sản phẩm bảo hiểm, một số ngân hàng cũng thực hiện nghiệp vụ bán chéo sản phẩm trái phiếu. Trong khi các nhân viên ngân hàng chưa hẳn đã nắm rõ về sản phẩm mà mình bán, và trong một số trường hợp cũng nhằm thực hiện theo doanh số và yêu cầu của lãnh đạo cấp cao nên đã thực hiện việc bán sản phẩm mà không tư vấn kỹ, tư vấn sai cho khách hàng.
Trong khi đó, trái phiếu là một sản phẩm mới tại Việt Nam, khách hàng chưa được trang bị đủ về kiến thức và quản trị rủi ro, tiến hành mua sản phẩm mà không tìm hiểu kĩ trên cơ sở sự tin tưởng đối với ngân hàng và nhân viên tư vấn. Điều này dẫn đến khi vụ việc xảy ra phía ngân hàng cho rằng họ không có chủ trương yêu cầu nhân viên bán sản phẩm, trong khi phía khách hàng thì cho rằng ngân hàng đang "đánh lận con đen" bán sản phẩm cho khách hàng.
Thứ ba, vấn đề từ tổ chức phát hành trái phiếu. Trừ các trường hợp doanh nghiệp được niêm yết trên sàn chứng khoán, các doanh nghiệp niêm yết trái phiếu là các doanh nghiệp chưa đại chúng với phạm vi công bố thông tin rất hạn chế đã làm giới hạn khả năng đánh giá rủi ro của nhà đầu tư. Đồng thời, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu là các công ty con, các SPAC (công ty với mục đích mua bán sáp nhập doanh nghiệp) dẫn đến cơ cấu dòng tiền, thông tin cung cấp, tài sản bảo đảm... rất khó tiếp cận với nhà đầu tư. Hiện nay, pháp luật điều chỉnh vấn đề này chưa đủ chi tiết, cụ thể để ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp tổ chức phát hành trái phiếu.
Như vậy, tôi cho rằng về mặt bản chất, đầu tư trái phiếu là một kênh tốt để huy động vốn, thay thế và san sẻ gánh nặng cho các ngân hàng. Tuy nhiên, quá trình quản lý, và bán sản phẩm chưa được thực hiện phù hợp nên dẫn đến rủi ro cho hệ thống. Vấn đề này cần phải nhìn nhận thực tế và phát triển quy phạm pháp luật để có cơ chế quản lý phù hợp đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và của nhà đầu tư, giúp lành mạnh hóa thị trường trái phiếu vốn có nhiều tiềm năng.
Trần Quốc Đạt - Vũ Kim Hạnh Dung
Tiến sĩ Vũ Kim Hạnh Dung đang làm việc tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP HCM.
Luật sư Trần Quốc Đạt là Phó chủ tịch Ban Pháp chế và Thư ký, United Overseas Bank Việt Nam.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.