Thứ năm, 19/9/2024
Thứ bảy, 23/1/2021, 05:00 (GMT+7)

Làng nghề mứt gừng phục vụ Tết

Thừa Thiên - HuếNhiều hộ dân làng Kim Long ngày đêm đỏ lửa cho ra lò nhiều mẻ mứt gừng phục vụ Tết Tân Sửu.

Nằm bên Kinh thành Huế, phường Kim Long được xem là thủ phủ của nghề làm mứt gừng ở cố đô Huế với hàng chục hộ dân còn theo nghề. Với hương vị cay nồng, mứt gừng làng Kim Long nổi tiếng từ thời nhà Nguyễn.

Củ gừng được cạo vỏ sạch sẽ chờ thái mỏng. Năm nay do ảnh hưởng của mưa lũ, nguồn nguyên liệu gừng tươi khan hiếm khi diện tích trồng bị hư hại. Nhiều hộ phải đặt mua gừng ở Tây Nguyên mới đủ sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Nam, 60 tuổi, cho biết gừng càng già vị càng cay. Các lát khi thái phải đồng đều, không quá mỏng cũng không quá dày.

Để giữ màu vàng của lát gừng, người dân ngâm vào thùng nước chanh. Sau 30 phút, gừng được vớt ra để trên rổ tre cho ráo nước.

Người dân làng Kim Long thường dùng đường trắng để ngào mứt gừng. Trọng lượng đường phải phù hợp để mứt khi ra lò không quá ngọt cũng như không quá nhạt.

Công đoạn rim mứt gừng được thực hiện bằng bếp củi. Để mứt không bị cháy, đóng cục, người thợ phải canh lửa sao cho đều.

Người thợ đảo liên tục đến khi các lát gừng cô đặc. Mỗi nồi rim mất khoảng 30 phút.

Mứt gừng rim xong được đổ ra trên cái nia có lót giấy, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, phường Kim Long dùng đũa tách không để các lát dính vào nhau.

Bà Nguyệt cho biết, để phục vụ Tết Tân Sửu, mỗi ngày cơ sở của bà cho ra lò khoảng 200 kg mứt gừng. Mỗi cân giá 70.000 đồng.

Mứt gừng khi nguội được bỏ vào bao nylon, đóng gói 0,5 kg.

Bao bì ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhiều năm qua, mứt gừng làng Kim Long được người dân Huế và các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Trị và các tỉnh phía Bắc ưa chuộng.

Võ Thạnh