"Bán xong đợt vụ hoa này, tôi sẽ mua cái tivi 21 inch cho các cháu xem Tết", ông Nguyễn Hường (xã An Phú) nói khi đang nhổ cỏ cho vườn hoa lay ơn rộng 4 sào (hơn 2.000 m2) của gia đình. Mảnh đất này từng là ruộng lúa, nhưng vì hiệu quả không cao, chăm sóc khổ cực nên gia đình ông chuyển sang trồng hoa lay ơn sáu năm nay.
Sau hơn hai tháng gieo trồng, vườn lay ơn 12.000 cây đã cao gần nửa mét, thân mập mạp, lá xanh tốt. Anh Hường chia sẻ, để có được thành quả như hôm nay, vợ chồng ông phải thay phiên nhau nhổ cỏ, bón phân, tưới nước, lên luống cho cây trong suốt nhiều tháng.
Cực nhất là việc tưới nước, lúc mới trồng, mỗi ngày tưới hai lần, sáng, chiều. Ba năm trở lại đây, vợ chồng ông đỡ vất vả hơn nhiều vì đã có hệ thống tưới nước tự động, đầu tư hết 20 triệu đồng. "Bây giờ chỉ cần bật cầu dao cái là nước phun khắp vườn", ông Hường cho hay.
Ngày 17-20 Âm lịch là vườn lay ơn đồng loạt nở, khi ấy các thương lái ở TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế sẽ vào thu mua với giá 2.500 - 3.000 đồng một cây. Trừ tất cả chi phí, dự kiến năm nay gia đình ông lãi khoảng 80 triệu đồng. Cũng như mọi năm, bán xong vụ hoa Tết, gia đình ông tiếp tục trồng thêm vụ hoa lay ơn nữa, sau đó mới trồng rau, quả.
Cây tiêu bị dịch bệnh, trong khi cà phê, rau giá bấp bênh, không ổn định nên nhiều người dân trong xã An Phú dần chuyển sang trồng hoa Tết như cúc, vạn thọ, hoa hồng, nhưng nhiều nhất là lay ơn vì thấy cây trồng này phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu ở Tây Nguyên.
Riêng năm 2014, do khí hậu khắc nghiệt, trời lạnh, sương muối nhiều khiến lay ơn không ra hoa, thương lái lùng sục mua mỗi cây 7.000 - 8.000 đồng nhưng không có bán. Năm đó hộ ông Hường lỗ hơn 30 triệu, nhưng sau đó vớt vát được nhờ vụ sau Tết. "Hoa lay ơn ở Gia Lai rất được ưa chuộng vì màu sắc đậm, đẹp hơn ở các vùng miền khác", ông Hường nói.
Anh Nguyễn Văn Phương, 44 tuổi, ở xã Trà Đa, TP Pleiku cũng tỏ ra vui mừng khi vườn lay ơn rộng hơn 2 ha của mình năm nay ra hoa đúng dịp. Hơn 20 năm trước, anh Phương sống ở Sài Gòn bằng nghề cơ khí, sau nhiều năm làm lụng vất vả nhưng chỉ đủ nuôi thân.
Chán nản, anh bỏ về trồng cà rốt, rau, hành... trên mảnh đất do bố mẹ để lại. Khi thu hoạch xong nông sản, đầu tháng 10 Âm lịch, anh thuê người cày xới đất và mua giống lay ơn gieo trồng. Công việc đó lặp đi lặp lại suốt hai năm qua. Nhờ đam mê nghề trồng hoa lay ơn, nên bây giờ anh có thể điều chỉnh hoa "nở sớm hay muộn" theo ý mình. "Ngày 25 là hoa nở hết", anh Phương chắc nịch.
Theo anh việc cho hoa nở sớm hay muộn, bên cạnh yếu tố môi trường, nông dân cần phải điều chỉnh lượng nước cho hợp lý. Nếu lúc mới trồng tưới hai lần mỗi ngày thì đến gần ngày ra hoa, chỉ cần tưới một ngày một lần, thời gian khoảng 15 phút.
Vườn lay ơn anh Phương đầu tư riêng tiền giống hơn 300 triệu đồng cho diện tích hơn 2 ha, chưa kể tiền nhân công, phân, thuốc... suốt hai tháng rưỡi. May mắn hoa lay ơn trồng ở Gia Lai rất được ưa chuộng, nên đầu ra rất dễ dàng.
"Cỡ 10 ngày nữa là xe tải đổ về xã để chở hoa. Thương lái vừa gọi điện cho tôi đặt mua giá 3.000 đồng một cây", anh Phương nói và cho biết, mỗi vụ hoa Tết, trừ tất cả chi phí anh lãi khoảng 700 triệu đến một tỷ đồng.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Pleiku, trên địa bàn thành phố, năm nay có khoảng 70 ha trồng hoa Tết, trong đó có hơn 30 trồng lay ơn; tập trung nhiều nhất ở xã Trà Đa, chiếm 20 ha.
Hoa lay ơn có nguồn gốc từ các nước châu Phi và vùng Địa Trung Hải. Hoa có đặc điểm như: kiểu dáng đẹp, màu sắc đa dạng, lâu tàn, cành gọn nhẹ dễ vận chuyển và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Trong nước, lay ơn được trồng tập trung ở một số tỉnh, thành như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Sơn La, Phú Yên, Đà Lạt....
Đức Hóa