2h những ngày cuối năm, nhiều nhà ở làng bánh tráng Nhơn Hòa (phường 5) ven sông Vàm Cỏ Tây đã sáng đèn. Bên lò rực lửa, chị Nguyễn Thị Kiều Tiên, 44 tuổi, cẩn thận cho thêm củi vào. Tại xưởng làm bánh rộng hơn 100 m2, chồng, con gái chị Tiên cùng 2 nữ công nhân khác đang tất bật công việc.
Gạo sau khi ngâm từ đêm trước sau đó được đem xay, lọc bớt nước chua. Người thợ sẽ canh lượng nước sao cho không quá đặc hoặc quá loãng, rồi đem đổ vào bồn chứa. Bột sẽ được được máy hút lên, phun đều lên dây chuyền, hơi nóng từ chiếc lò sẽ làm chín bánh.
Ở bên hông dây chuyền, hai công nhân dùng các tấm phên đan bằng lá dừa cho vào dây chuyền để hứng bánh. Các phên bánh sẽ di chuyển đến cuối dây chuyền, tiếp tục được công nhân bốc dỡ, xếp vào một góc. Khi trời nắng, các công nhân sẽ dùng xe đẩy bánh ra sân phơi. Bánh khô được bóc ra khỏi phên, xếp vào máy cắt, sau đó đóng gói thành phẩm.
Chị Tiên cho biết, gia đình có truyền thống làm bánh tráng từ đời ông ngoại. Trước đây toàn bộ quy trình tráng bánh phải làm bằng tay, mất nhiều thời gian, công sức nhưng sản phẩm làm ra chậm, ít.
"Tráng bánh thủ công đòi hỏi người thợ phải nhanh và đều tay, lửa cũng không được quá lớn mà phải liu riu, nếu không bánh làm ra sẽ khó đẹp mắt", chị Tiên nói. Ba năm trước, gia đình chị bỏ ra hơn 300 triệu đồng đầu tư dây chuyền máy móc. Ngoài dây chuyền làm bánh, tại xưởng còn có máy sấy, dùng cho khi trời mưa không phơi bánh được.
Bình quân, một hộ đầu tư dây chuyền máy móc sẽ sản xuất khoảng 400 kg bánh một ngày, trong khi nếu làm theo quy trình thủ công chỉ khoảng 15 kg một ngày.
Giữa trưa, dùng xe đẩy bánh ra sân phơi, Bà Nguyễn Thị Tài, 55 tuổi, công nhân tại xưởng bánh chia sẻ, bà phụ việc cho xưởng bánh hơn 10 năm nay. Xưởng làm việc chia ca đêm và ngày, nếu làm cả hai ca, thu nhập bình quân một công nhân như bà Tài khoảng 7 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hiếu, Chủ tịch UBND phường 5, cho biết nghề làm bánh tráng với hơn 100 hộ sản xuất tại Nhơn Hòa được công nhận làng nghề truyền thống từ 9 năm trước, chuyên cung cấp hàng cho các tỉnh miền Tây, TP HCM.
Bánh tráng Nhơn Hòa được làm với 100% bột gạo và không dùng hóa chất nên hương vị đặc trưng, độ mặn vừa phải, bánh mềm, dẻo, cuốn với tôm, thịt, rau, bún, chấm nước mắm chua ngọt hay mắm nêm hoặc làm bánh tráng trộn đều rất ngon. Do chi phí đầu tư cao, hiện chỉ 2-3 hộ trang bị hệ thống máy móc. Lợi nhuận mỗi hộ làm bánh bằng máy khoảng 20 triệu đồng một tháng.
"Phần lớn người dân vẫn còn sản xuất thủ công nhỏ lẻ nên khó cạnh tranh với các sản phẩm khác, cộng với tình hình dịch bệnh nên kinh doanh của người dân vẫn còn nhiều khó khăn", bà Hiếu thông tin.
Hoàng Nam