Mùa mốt Thu Đông năm nay, nhiều hãng giới thiệu bộ sưu tập từ quần áo cũ, vải tái chế, đồ thủ công hay chất liệu tự nhiên. Các thương hiệu may mặc lớn H&M, Calvin Klein... cho ra nhiều mẫu thân thiện môi trường. Trong dịch, Sandro tái chế khẩu trang từ bộ sưu tập trước đó. Vì mùa bóng chày bị hủy, thương hiệu đồ thể thao Fanatics làm đồ bảo hộ y tế từ đồng phục Yankees.
Cây bút Alden Wicker của Instyle dự báo sự bền vững trở thành ưu tiên hàng đầu cho thời trang thảm đỏ tương lai. Xu hướng này đã manh nha tại Oscar năm nay khi váy của Kaitlyn Dever, Léa Seydoux, Penelope Cruz, Kim Kardashian, Margot Robbie hay tracksuit của Timothée Chalamet đều từ vật liệu thân thiện, tái chế. Hai tuần trước sự kiện, êkíp của Saoirse Ronan đã may nửa trên trang phục từ vải thừa của chiếc váy cô mặc tại BAFTA 2020. Jennifer Aniston mặc lại váy cũ đến lễ trao giải SAG cuối tháng 1.
Thời trang bền vững phát triển trong thời dịch do nhu cầu tiêu dùng quần áo thay đổi. Xu hướng này xuất hiện vài năm gần đây với sự tiên phong của nhà thiết kế Stella McCartney, được quan tâm hơn khi đại dịch xảy ra. Theo khảo sát của Viện nghiên cứu McKinsey, 16% trong số 6.000 người tiêu dùng Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha tán thành mua nhiều sản phẩm may mặc thân thiện môi trường, 21% dự định tái chế quần áo cũ, 45% ưu tiên các thương hiệu thời trang bền vững ngay khi cửa hàng mở cửa trở lại. Thay vì chú ý tính hợp mốt, họ đang dần chú trọng vào sự tiện dụng, bền chắc của trang phục, chất lượng hơn số lượng để tránh lãng phí.
Sức ép từ việc bị phê phán gây ô nhiễm môi trường cũng buộc làng mốt tập trung hơn vào thời trang bền vững. Mỗi năm, ngành may mặc sản xuất 150 tỷ mặt hàng quần áo nhưng 87% bị vứt bỏ bởi vượt xa nhu cầu tiêu dùng của 7,9 tỷ người toàn cầu. Hơn nữa, ngành công nghiệp này tạo ra hơn 10% khí thải và 20% nước thải. Nhà thiết kế thời trang bền vững Rahemur Rahman nói với Guardian: "Chúng ta luôn thảo luận về việc tạm dừng sản xuất thời trang theo kiểu mì ăn liền nhưng không ai thực hiện vì bài toán kinh doanh". Rahemur Rahman còn cho rằng phát hành hai bộ sưu tập một năm là đủ.
Nhà thiết kế Celine Semaan nhận định phải trải qua một cú sốc, các công ty chỉ quan tâm lợi nhuận mới nhận ra họ có thể sụp đổ dễ dàng. "Chúng ta cần đặt sức khỏe của hệ sinh thái vào trung tâm hệ thống kinh doanh, tập trung vào con người, cộng đồng thay vì đồng tiền", Celine nói.
Tính bền vững không chỉ được chú trọng trên sản phẩm mà còn ở vấn đề con người. Khủng hoảng khiến làng mốt chú ý tới công nhân may mặc, khi hơn 50 triệu người chịu ảnh hưởng tiêu cực, từ nợ lương tới thất nghiệp. Theo Guardian, công nhân may là trái tim của ngành thời trang, nên cần được quan tâm hơn về lương, điều kiện vệ sinh và môi trường làm việc.
Trong tháng 3 và 4, tổ chức phi lợi nhuận Remake giới thiệu dự án PayUp, kêu gọi các nhà mốt lớn thanh toán đơn hàng đã sản xuất cho nhà máy ở Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar và Campuchia. Dự án khuyến khích các công ty nghĩ hướng giải quyết số hàng tồn đọng trong tương lai, thay vì hủy đơn hàng, tạo điều kiện trả lương, tạo việc làm cho thợ may.
Bảo Thư