Theo QZ, ngành công nghiệp xa xỉ đối mặt với năm tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại do lệ thuộc quá mức vào người mua sắm Trung Quốc. Vài năm gần đây, người dân nước này là đối tượng mua hàng lớn nhất thế giới. Khi dịch tấn công toàn cầu, doanh thu của các ông lớn thời trang lao dốc.
Burberry chịu ảnh hưởng nặng vì khoảng 40% doanh số của công ty do người tiêu dùng Trung Quốc đóng góp. Gucci cho biết doanh thu cũng giảm mạnh. Tình hình của Prada không sáng sủa hơn khi phải đóng nhiều cửa hàng ở nước này.
Trong khi thị trường xa xỉ ở châu Âu chịu tác động mạnh, hàng xa xỉ ở Trung Quốc lại đang phục hồi. Hôm 9/5, WWD đưa tin một cửa hàng Hermès tại Quảng Châu gần đây đem về doanh thu 2,7 triệu USD một ngày.
Công ty tư vấn quản lý Bain & Company của Mỹ và Hội đồng thương hiệu xa xỉ Altagamma của Italy ước tính năm 2025, tầm quan trọng của khách Trung Quốc đối với hàng cao cấp còn phát triển. Họ có thể chiếm gần một nửa số khách mua hàng xa xỉ toàn cầu. Chuyên gia Claudia D'Arpizio của Bain & Company cho rằng những hạn chế về du lịch quốc tế sẽ thúc đẩy người tiêu dùng Trung Quốc mua hàng nhiều hơn trong nước, đưa nước này trở thành thị trường đứng đầu thời trang xa xỉ vào năm 2025.
Họa Mi (theo QZ, Bloomberg)