Tại Sa Đéc, bà Trần Thị Thu Thuỷ chỉ trồng 9.000 giỏ cúc mâm xôi giảm 20% so với các năm. Gắn bó hơn 5 năm với nghề trồng hoa Tết, có năm trúng lớn, có năm lỗ đậm do cúc nở không ngay tết, nhưng chưa năm nào bà Thuỷ xuống giống mà phập phồng như hiện tại.
"Trồng vậy thôi chứ Tết bán được mới hay. Nếu dịch không lắng coi như mất trắng, nghề truyền thống ráng đeo", bà Thuỷ phân trần. Dịp rằm tháng 7 vừa qua, bà trồng một ít hoa cúc để bán cho người dân chưng nhưng ngay lúc Covid-19 bùng phát, thương lái không mua. Bà phải đổ bỏ toàn bộ, mất hơn 30 triệu đồng tiền vốn.
"Dịch được khống chế, chắc hoa Tết dễ bán hơn. Nếu có lời chút đỉnh tôi bán liền chứ không neo giá. Dịch này nhiều người cũng khó khăn, bán vừa giá để bà con có hoa chơi Tết", bà Thuỷ chia sẻ. Vật tư đầu vào trồng hoa nằm nay đã tăng hơn các năm 10-15%, các cửa hàng không cho thiếu như trước.
Gần đó ông Nguyễn Văn Tiếp, Chủ nhiệm Hội quán Tôi yêu màu tím, cho biết 20 thành viên hội quán xuống giống khoảng 50.000 giỏ hoa tết chỉ bằng 25% so với các năm chưa có dịch. Chủng loại cũng có sự thay đổi, dành 40% cho các loại hoa kiểng công trình, 20% các loại ra hoa quanh năm, còn lại là các loại hoa truyền thống như cúc mâm xôi, cúc tiger, hạnh, vạn thọ,...
"Dịch khiến nhiều gia đình khó khăn nên việc chơi hoa sẽ được họ cân nhắc kỹ. Anh em trong hội quán đã bàn bạc với nhau, phải trồng hoa theo nhu cầu thị trường, giá cả vừa phải. Bán được hoa mới có thể duy trì sản xuất", ông Tiếp nói.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế TP Sa Đéc, cho biết vụ hoa Tết năm 2022, nông dân làng hoa xuống giống diện tích khoảng 70 ha, giảm 40 ha so với các năm trước. Thành phố khuyến khích người trồng hoa chuyển đổi sản xuất, tránh tập trung trồng các loại hoa tết truyền thống; ưu tiên các loại hoa kiểng công trình, cây trang trí nội thất, hoa phục vụ du lịch có thể sử dụng lâu dài.
Ngoài ra, thành phố đang thống kê từng chủng loại hoa kiểng, sản lượng gửi về Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để có chương trình kết nối, tiêu thụ giúp nông dân có đầu ra. Thị trường hoa kiểng bắt đầu khôi phục khoảng 30% so với trước khi các tỉnh, thành phố cơ bản kiểm soát được dịch.
"Để khôi phục sản xuất, thành phố tạo nhiều điều kiện để thương lái có giấy đi đường, nông dân trồng hoa thuận lợi đi lại, chăm sóc hoa kiểng. Việc vận chuyển sẽ có xe luồng xanh đưa hoa đi các tỉnh", bà Ngọc nói. Hiện, TP Sa Đéc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Tại làng hoa Cái Mơn (huyện Chợ Lách, Bến Tre), những ngày này, mảnh vườn 2.000 m2 của anh Trần Văn Tuấn (xã Phú Sơn) đang chuẩn bị xuống giống vụ hoa cúc Hà Lan bán Tết. Những năm trước, mảnh vườn này anh Tuấn trồng khoảng 4.000 chậu cúc, mỗi vụ bán Tết lãi khoảng 100 triệu đồng.
"Năm ngoái do dịch bệnh nên tôi giảm số lượng chậu xuống còn 2.000 nhưng vụ hoa không có lãi nhiều, năm nay tôi xuống giống 1.500 chậu, hy vọng tình hình khả quan hơn", anh Tuấn nói.
Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách thông tin, ngành nông nghiệp huyện đã khuyến cáo nhà vườn chủ động giảm sản lượng các loại hoa phục vụ Tết Nhâm Dần so với mọi năm. "Bình quân mỗi năm huyện cung ứng khoảng 5 triệu sản phẩm hoa Tết. Năm nay chúng tôi khuyến cáo người dân giảm bớt 50%", ông Liêm nói.
Theo ông Liêm, diễn biến dịch có thể còn phức tạp, người dân sẽ khó tập trung đông để mua bán như mọi khi. Đợt giãn cách kéo dài cũng ảnh hưởng túi tiền của khách hàng, tiêu thụ hoa Tết vì thế chắc chắn sẽ giảm.
Làng hoa Sa Đéc và Cái Mơn là hai "thủ phủ" hoa, cây giống lớn nhất miền Tây. Cả hai nơi nổi tiếng với nghề trồng hoa kiểng, cây cảnh, nghệ thuật tạo hình tứ linh, 12 con giáp bằng cây xanh, si, tắc. Hàng năm, hai địa phương phục vụ hàng triệu sản phẩm hoa cho các thị trường ở Đồng bằng sông Cửu Long, TP HCM, các tỉnh miền Trung và Campuchia.
Hoàng Nam - Ngọc Tài