Ngày 25/1, Indiatimes đưa tin Ấn Độ chính thức tuyên bố cấm vĩnh viễn 59 ứng dụng từ Trung Quốc, trong đó có TikTok. Hai ngày sau, trong thông báo nội bộ, ByteDance (công ty mẹ của TikTok) thông báo sa thải hơn 2.000 nhân viên, chỉ giữ lại một số nhân sự chủ chốt với lý do ứng dụng đã bị cấm vĩnh viễn, chi nhánh tại Ấn Độ buộc phải giải thể.
"Thật đáng tiếc, sau khi đồng hành với 2.000 nhân viên ở Ấn Độ trong hơn nửa năm qua, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giảm số lượng nhân viên. Chúng tôi mong muốn có cơ hội gia hạn ứng dụng và hỗ trợ hàng trăm triệu người dùng, nghệ sĩ, nhà giáo dục và người sáng tạo ở Ấn Độ", người phát ngôn của TikTok nói.
Thông báo này lập tức gây sốc trong cộng đồng công nghệ nước này và làm dấy lên nhiều tranh cãi. Theo Inditimes, do ảnh hưởng của Covid-19, năm 2020 đã có 43 triệu người Ấn Độ thất nghiệp. Việc chính phủ nước này quyết định cấm vĩnh viễn 59 ứng dụng Trung Quốc có thể kéo theo một làn sóng thất nghiệp mới.
Quan trọng hơn nữa, lệnh cấm này khiến nguồn vốn đầu tư vào nước này cũng bị thiệt hại đáng kể. Báo cáo của World Wide Web cho biết, Ali đã tạm dừng kế hoạch đầu tư vào các công ty Ấn Độ. Trong số 30 doanh nghiệp kỳ lân - doanh nghiệp có giá trị thị trường trên 1 tỷ USD, 18 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng quyết định cấm hàng loạt ứng dụng từ Trung Quốc có thể gây ra nhiều xáo trộn trong đời sống sinh hoạt của người dân. Những ứng dụng lớn như TikTok, WeChat thu hút hàng chục triệu người dùng để liên lạc, kết nối với người thân và làm ăn với những đối tác ngoài Ấn Độ. Trong thời gian ngắn, các ứng dụng "Make in India" khó lòng thay thế ngay được 59 ứng dụng bị cấm này. Khó khăn không chỉ đè nặng lên vai những người sắp bị thất nghiệp mà còn ảnh hưởng trên diện rộng, từ người dùng phổ thông đến các nhà đầu tư, công ty khởi nghiệp.
Kim Cương tổng hợp