Theo Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ, đơn vị ban hành lệnh cấm này, các ứng dụng đã "tham gia vào các hoạt động gây hại đến chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh và trật tự công cộng của Ấn Độ". Hoạt động của chúng được theo dõi và báo cáo bởi Trung tâm Điều phối Tội phạm mạng, thuộc Bộ Nội vụ Ấn Độ.
Các ứng dụng bị chặn gồm loạt sản phẩm của Alibaba, như AliSuppliers, Alibaba Workbench, AliExpress, Alipay Cashier, Taobao Live; ứng dụng vận chuyển Lalamove India; ứng dụng mạng xã hội và hẹn hò, như Chinese Social, Date in Asia, WeDate; ứng dụng video ngắn Snack Video của Tencent...
Đây là lần thứ ba Ấn Độ đưa ra lệnh cấm các ứng dụng từ Trung Quốc, nâng tổng số ứng dụng bị chặn lên hơn 200. Trước đây, hàng loạt phần mềm nổi tiếng và có hàng triệu người Ấn Độ sử dụng, như TikTok, PUBG Mobile, Wechat, cũng bị nước này hạn chế. Theo TechCrunch, trong top 500 ứng dụng được dùng nhiều tại Ấn Độ, hiện không còn bất cứ ứng dụng nào nguồn gốc Trung Quốc.
Các lệnh ngăn chặn của Ấn Độ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của nhiều công ty công nghệ Trung Quốc. Theo Nikkei, các công ty như Alibaba, Bytedance và Tencent đều coi Ấn Độ là một trong những thị trường lớn nhất để phát triển bên ngoài thị trường nội địa. Tuy nhiên, nhiều trong số này đã phải tạm dừng kế hoạch phát triển.
Một số ứng dụng nằm trong đợt cấm đầu tiên cũng đang rục rịch lên kế hoạch trở lại. Chẳng hạn, PUBG được cho là đang muốn đầu tư 100 triệu USD, hợp tác với Microsoft để giải quyết bài toán về nhu cầu máy tính tại Ấn Độ. Ngược lại, UC Web - công ty con thuộc Alibaba - lại tỏ ra cứng rắn khi sa thải toàn bộ nhân viên tại Ấn Độ sau khi nước này cấm trình duyệt UC Browser.
Từ giữa năm 2020, tâm lý tẩy chay sản phẩm Trung Quốc lan rộng tại đây. Không chỉ với các ứng dụng, nhiều sản phẩm như đồ điện tử, điện thoại, TV của thương hiệu Trung Quốc cũng bị tẩy chay. Xiaomi, một trong những thương hiệu Trung Quốc phổ biến tại Ấn Độ, phải "xóa vết" bằng cách dán chữ "Made in India" lên các hộp smartphone của mình.
Lưu Quý