Hôm 13/12, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) báo cáo thêm 1.030 ca nhiễm nCoV, đánh dấu hai ngày liên tiếp nước này ghi nhận ca nhiễm mới cao kỷ lục trong vòng 24 giờ. Mặc dù con số này giảm xuống mức dưới 800 vào ngày tiếp theo, hôm 15/12 số ca mới tăng trở lại, lên 880 người.
Giới chức y tế cảnh báo với tỷ lệ lây nhiễm hiện nay, số ca nhiễm nCoV mới mỗi ngày có thể lên tới 1.200, trong làn sóng đại dịch thứ ba được cho là không thể ngăn chặn.
Tại khu vực thủ đô Seoul, nơi khoảng một nửa dân số của đất nước 52 triệu dân sinh sống, mọi người đang chuẩn bị cho khả năng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn được áp dụng, bởi giới chức đang chật vật trong việc xác định các con đường lây truyền virus dẫn đến đợt bùng dịch bên trong và xung quanh Seoul.
Park Young-joo, cụ bà 78 tuổi sống tại tỉnh Gyeonggi ngay gần Seoul, tỏ ra vô cùng lo lắng. "Tôi cố gắng ở nhà nhiều nhất có thể, nhưng lại sống với gia đình của con trai, nên lúc nào tôi cũng lo mình có nguy cơ nhiễm từ họ. Ai trong gia đình cũng lo âu, tôi nghĩ bởi tôi đã già và bị đe dọa nhiều hơn", bà cho hay.
Nhiều quốc gia khác, bao gồm châu Âu và Mỹ, có lẽ thắc mắc rằng tại sao người Hàn Quốc phải lo lắng đến vậy, bởi nước này mới ghi nhận tổng cộng 45.442 ca nhiễm nCoV và 612 người chết, tỷ lệ tử vong rất thấp. Trong khi đó, Anh, quốc gia có dân số tương đương, đã báo cáo hơn 1,8 triệu ca nhiễm và gần 65.000 người chết.
Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc cảnh báo thất bại trong công tác kiểm soát sự trỗi dậy của nCoV có nguy cơ buộc họ phải nâng mức độ hạn chế lên cấp 3, tức cấp cao nhất. Khi đó, nền kinh tế lớn thứ 5 châu Á sẽ lần đầu tiên rơi vào trạng thái phong tỏa mức độ nhẹ kể từ khi Covid-19 xuất hiện.
Các trường học trong khu vực Seoul bị yêu cầu đóng cửa từ ngày 15/12. Công tác xét nghiệm được tăng cường từ khoảng 16.000 người/ngày hồi tháng 9 lên mức 22.000. Những bữa tiệc cuối năm, nguồn lây lan virus tiềm ẩn rất lớn, đều bị cấm. Nếu hạn chế cấp độ 3 được áp dụng, toàn bộ cư dân, trừ những người lao động trong lĩnh vực thiết yếu, phải ở nhà, cấm tụ tập trên 10 người và hạn chế sức chứa trên các chuyến tàu xuống mức 50%.
Tuy nhiên, công tác phòng chống làn sóng lây nhiễm mới còn gặp thách thức nghiêm trọng từ tâm lý người dân. Sau gần một năm đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và bị cách ly, người Hàn Quốc bắt đầu không còn quá cảnh giác trước đại dịch, Thủ tướng Chung Sye-kyun hôm 15/12 cho biết.
"Hầu hết mọi người đều phải chịu đựng sự bất tiện và tuân thủ các quy tắc. Tuy nhiên, một số người đang tiếp tay cho virus lây lan dữ dội do sự bất cẩn và vô trách nhiệm của họ", ông Chung phát biểu tại một cuộc họp của chính phủ được phát trên truyền hình, nói thêm rằng những biện pháp cấp độ ba là lựa chọn cuối cùng bởi chúng sẽ khiến nền kinh tế chịu tổn hại "không thể thay đổi".
Một số chuyên gia nhận định Hàn Quốc đang phải trả giá cho quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế "quá sớm" hồi mùa thu. "Chính phủ đã thay đổi chính sách vào tháng 10. Do đó, bây giờ họ phải siết chặt các biện pháp khi dịch ngày càng lan rộng", Eom Joong-sik, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Gachon ở thành phố Incheon, cho hay.
Theo Eom, những thay đổi trong chính sách phòng dịch của Hàn Quốc đã tạo điều kiện cho virus lây lan trong các cộng đồng địa phương, đồng thời làm tăng khả năng truyền nhiễm trên khu vực thậm chí rộng lớn hơn. Ông còn cảnh báo Seoul đang nhanh chóng hết giường bệnh.
8 tháng trước, Hàn Quốc được dư luận quốc tế, bao gồm cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ca ngợi vì phản ứng nhanh chóng với đại dịch. Dù nằm ngay gần Trung Quốc, nơi Covid-19 khởi phát, và là một trong những vùng dịch lớn đầu tiên trên thế giới, nước này đã kiềm chế virus thành công trong thời gian ngắn nhờ tích cực xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và cách ly.
Đảng Dân chủ cầm quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 4 đại thắng trong cuộc bầu cử quốc hội, giành được 180/300 ghế, tăng mạnh so với 120 ghế trước đó. Chính phủ còn bắt tay vào chiến dịch "ngoại giao Covid-19", nhằm giúp các nước đang loay hoay ứng phó đại dịch bằng cách chia sẻ hướng dẫn chi tiết cách kiểm soát tình hình theo phương pháp của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, tỷ lệ tín nhiệm của ông Moon giờ đây lao dốc xuống mức thấp kỷ lục. Tổng thống Hàn Quốc thừa nhận đất nước "bị dồn vào chân tường", đồng thời xin lỗi vì không thể ngăn chặn nhanh chóng sự trỗi dậy của làn sóng Covid-19 mới. "Tôi rất tiếc khi nghĩ về những người đang cảm thấy bối rối và lo lắng, ông viết trên Twitter hồi cuối tuần.
Lee Seung-du, cư dân 29 tuổi ở Seoul, cho biết anh đang đeo những chiếc khẩu trang tốt nhất có thể mua được và tránh ra ngoài trừ khi thực sự cần thiết.
"Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi lại thấy số ca nhiễm tăng lên. Chỉ vài tuần trước, chính phủ khoe khoang rằng các biện pháp của họ được ca ngợi khắp thế giới, nhưng tôi nghĩ tất cả là một trò hề. Tôi không thể tin họ đang đùa với mạng sống của người dân chỉ vì một chút tiếng tăm", Lee nêu ý kiến.
Ánh Ngọc (Theo Guardian)