Lee, nhà nghiên cứu vi sinh lâm sàng 49 tuổi, phải xem xét 6 bộ kết quả xét nghiệm trong ngày hôm đó. Hầu hết kết quả xét nghiệm đều được ông xem xét ở phòng thí nghiệm tại Bệnh viện Đại học Y Yonsei, Seoul. Ông kết thúc công việc và rời văn phòng lúc 11h đêm, nhưng Lee thường tỉnh dậy lúc rạng sáng để kiểm tra lại chúng.
"Công việc này rất khó khăn, nhưng mọi thứ còn khó khăn hơn với mọi người", Lee nói.
Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia phải hứng "bão Covid-19", dịch bệnh đang tàn phá nhiều hệ thống y tế trên thế giới. Tuy nhiên, quốc gia này đang từng bước ngăn chặn được nCoV khi số ca nhiễm mới giảm đáng kể trong những ngày qua. Một lý do cho sự thành công này nằm chương trình sàng lọc "thần tốc", giúp Hàn Quốc nhanh chóng cách ly được người nhiễm bệnh.
Quốc gia này đã thực hiện hơn 316.000 xét nghiệm, gấp đôi con số của Italy, dù có số ca nhiễm ít hơn 1/7. Trong khi đó, Mỹ tới ngày 21/3 mới chỉ xét nghiệm được cho khoảng 195.000 người, dù có quy mô dân số lớn hơn nhiều. Chương trình sàng lọc người nhiễm ở Mỹ có thể tiếp tục chậm trễ, khi chính quyền Trump đang lên kế hoạch ưu tiên "cách biệt cộng đồng" hơn xét nghiệm.
Hệ thống xét nghiệm của Hàn Quốc là "di sản" sau dịch MERS năm 2015 và được kích hoạt lại khi Covid-19 bùng phát hồi cuối tháng 1. Bác sĩ, nhân viên y tế, các phòng xét nghiệm và các lãnh đạo đã cùng nhau chiến đấu với dịch và tuân theo những quy trình đã được thiết lập trong vài năm gần đây.
Tiến sĩ Lee cùng các cộng sự được xem chốt chặn cuối cùng trong hệ thống này, với sự phối hợp của 633 cơ sở xét nghiệm cùng hơn 100 phòng thí nghiệm khắp cả nước. Đó là một hệ thống nhất quán: các phòng thí nghiệm sử dụng cùng loại thiết bị xét nghiệm, được đào tạo như nhau và đưa ra quyết định dựa trên những thông tin giống nhau.
8h sáng mỗi ngày, các phòng thí nghiệm ở Hàn Quốc đều cập nhật kết quả xét nghiệm nCoV của họ lên kho dữ liệu chung, nhờ vậy các bệnh viện cả công lập lẫn tư nhân đều có thể theo dõi kết quả của bệnh nhân và báo cáo với Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (KCDC). Các bệnh viện đăng dữ liệu xét nghiệm chi tiết lên một thư mục trực tuyến do các chuyên gia thuộc hiệp hội bệnh truyền nhiễm tạo ra.
"Hệ thống này cho phép chúng tôi nhận định được nơi cần tập trung nguồn lực. Nó cũng là mạng lưới chia sẻ tất cả vấn đề phát sinh từ các xét nghiệm không rõ kết quả", Lee, cố vấn cho chính phủ Hàn Quốc về vấn đề xét nghiệm Covid-19, cho biết.
Chiến lược chống dịch này của Hàn Quốc được đưa ra sau đợt bùng phát dịch MERS, gây ra sự hỗn loạn giống tình cảnh của nhiều quốc gia hiện nay. Quốc gia này đã chậm trễ phê duyệt bộ xét nghiệm MERS và giao trách nhiệm chẩn đoán cho chưa tới 5 phòng thí nghiệm do nhà nước điều hành.
Các phòng thí nghiệm này phải mất 4-5 ngày mới có kết quả, trong khi bệnh nhân có triệu chứng suy hô hấp không được chẩn đoán và vô tình lây nhiễm cho người khác. Hai tháng dịch MERS bùng phát đã khiến 186 người ở Hàn Quốc nhiễm, trong đó 38 người chết.
Hàn Quốc sau đó xem xét lại toàn bộ hệ thống ứng phó khẩn cấp của mình và có những thay đổi quyết liệt. Các bệnh viện tư được phép hỗ trợ xét nghiệm chẩn đoán, thay vì có vai trò hạn chế như khi dịch MERS bùng phát. Chính quyền Seoul cũng yêu cầu các bệnh viện đào tạo thêm nhân viên vận hành máy móc và thành lập phòng thí nghiệm y tế riêng.
Hàn Quốc mất hai năm để những thay đổi này đi vào hoạt động. Nhưng khi Covid-19 bùng phát hồi tháng 1, giới chức y tế Hàn Quốc đã có thể lập tức sử dụng hơn 100 cơ sở xét nghiệm và có thể sàng lọc tới 20.000 người mỗi ngày. Hàn Quốc cũng áp dụng hệ thống phê duyệt nhanh từ năm 2016, giúp nhiều công ty rút ngắn thời gian được phê duyệt bộ xét nghiệm mới.
Hàn Quốc chủ yếu để các công ty công nghệ sinh học trong nước tự phát triển bộ xét nghiệm của riêng họ dựa trên bộ mã gen Covid-19 được Trung Quốc công bố hồi tháng 1. Công ty đầu tiên được phê chuẩn kit xét nghiệm vào ngày 4/2, hai tuần trước khi số ca nhiễm tăng mạnh ở Hàn Quốc. Quốc gia này hiện có 5 nhà cung cấp bộ xét nghiệm nCoV, sử dụng các mẫu sinh phẩm khác nhau nhưng đều được tiến hành dựa trên một phương thức xét nghiệm thống nhất.
Nhưng việc chế tạo rộng rãi bộ xét nghiệm chỉ là một nửa của thành công, vì cần có các phòng thí nghiệm kiểm tra kết quả, theo tiến sĩ Lee Wang-jun, chủ tịch Bệnh viện Myongji ở Seoul và là cố vấn cho đội phản ứng Covid-19 của chính phủ Hàn Quốc.
"Sẽ không có nghĩa lý gì nếu chỉ có nhiều bộ xét nghiệm. Bạn cũng cần có nhân lực và các phòng thí nghiệm", tiến sĩ Lee nói.
Sự đổi mới cũng đóng vai trò quan trọng. Chính phủ Hàn Quốc đã giới thiệu chương trình xét nghiệm cho tài xế ngay trên ôtô để hạn chế việc tiếp xúc và đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm. Ý tưởng này đã nhanh chóng được áp dụng ở một số bang ở Mỹ. Một số bệnh viện yêu cầu bệnh nhân vào một không gian kín giống bốt điện thoại, tại đó nhân viên y tế đứng ở phía ngoài, sử dụng găng tay cao su dài gắn trên cửa nhựa trong suốt để lấy mẫu bệnh phẩm. WHO đã khen ngợi Hàn Quốc vì những sáng tạo trong chiến lược xét nghiệm người nhiễm nCoV.
Nhưng tại Mỹ, mọi chuyện khác hẳn khi bệnh viện và người dân phải chạy đua để cải thiện khả năng xét nghiệm. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tuần này chấp thuận cho các công ty giới thiệu bộ xét nghiệm nCoV trước khi được chính phủ phê chuẩn, nhưng nguồn cung các sản phẩm và hóa chất cần thiết để sản xuất bộ xét nghiệm đang cạn dần.
"Chúng tôi không đủ khả năng sản xuất kit xét nghiệm để kịp thời đáp ứng nhu cầu quá lớn", Benjamin Pinsky, giám đốc y tế tại Phòng thí nghiệm virus học lâm sàng Stanford, cho biết.
Một trong những trở ngại lớn nhất đối với chương trình sàng lọc Covid-19 của Mỹ là FDA yêu cầu các phòng thí nghiệm phải kiểm nghiệm kit trên mẫu virus sống như một tiêu chí để phê chuẩn bộ xét nghiệm mới. Alex Greninger, trợ lý giám đốc khoa virus học của Đại học Washington ở Seattle, cho biết đội của ông đã phải chạy đua tìm mẫu virus sống để có thể chứng minh bộ xét nghiệm này đủ tin cậy và đáp ứng tiêu chuẩn của FDA.
Nhưng tiến sĩ Greninger gặp phải một vấn đề, khi đó Covid-19 chưa xuất hiện ở bang Washington. "Chúng tôi không có nhiều mẫu bệnh phẩm để đánh giá bộ xét nghiệm. Tôi đã phải gọi rất nhiều cuộc điện thoại", ông nói.
Greninger cuối cùng cũng có mẫu virus sống vào cuối tháng 2, thời điểm nCoV bắt đầu bùng phát ở Washington.
Hàn Quốc không đặt ra những yêu cầu khắt khe như vậy đối với nhà sản xuất bộ xét nghiệm. Quốc gia này hiện đứng ở vị trí thứ 8 trong danh sách khu vực chịu ảnh hưởng của Covid-19 với gần 9.000 ca nhiễm và 111 ca tử vong.
Tiến sĩ Lee của Đại học Y Yonsei cho biết bệnh viện của ông có thể xét nghiệm 300 mẫu bệnh phẩm mỗi lần và 6 lần mỗi ngày, nhằm đẩy nhanh tốc độ sàng lọc, cách ly và điều trị cho người nhiễm bệnh. Lee cho hay năng lực xét nghiệm này còn khá khiêm tốn so với nhiều cơ sở tư nhân lớn khác, vốn có thể thực hiện hơn 3.000 xét nghiệm mỗi ngày.
Nhóm cố vấn về Covid-19 cho chính phủ Hàn Quốc nói rằng hệ thống kiểm soát bệnh truyền nhiễm của Hàn Quốc đã thay đổi khi có sự góp mặt của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này. Việc thiếu sự tham gia của đội ngũ chuyên gia chính là một nguyên nhân khiến Hàn Quốc phản ứng chậm khi MERS bùng phát.
"Khi dịch MERS ở giai đoạn đầu, những chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hoàn toàn không tham gia nên việc ứng phó ban đầu đã thất bại", Kim Woo-joo, từng là người đứng đầu đội phản ứng nhanh với MERS và là giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Korea ở Seoul, chia sẻ.
Với 52 triệu dân, Hàn Quốc có thể dễ dàng theo dõi bệnh nhân nhiễm nCoV hơn Trung Quốc hay Mỹ. Khi ổ dịch Covid-19 liên quan tới giáo phái Tân Thiên Địa bùng phát ở Daegu, chính phủ Hàn Quốc đã lập tức dồn mọi nguồn lực ban đầu để truy vết và xét nghiệm 10.000 tín đồ của giáo phái và tất cả người từng tiếp xúc với họ, bất kể có triệu chứng hay không.
Các chuyên gia y tế cho rằng xác định sớm là chìa khóa cho việc kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Khi Hàn Quốc xác định được ca nhiễm nCoV đầu tiên ngày 20/1, các công ty công nghệ sinh học đã có sẵn bộ dụng cụ xét nghiệm và chỉ đợi phê chuẩn.
"Mỹ đã bỏ lỡ thời điểm vàng để khống chế Covid-19. Họ mất quá nhiều thời gian để xác định ca bệnh nhân số 0 và trong lúc đó, hàng nghìn người có thể đã bị nhiễm bệnh", tiến sĩ Lee nhận định.
Thanh Tâm (Theo WSJ)