Trong những ngày qua, từ một hình ảnh về một cảnh kẹt xe trong ngăn nắp ở nước ngoài dẫn đến các tranh luận về ý thức giao thông tại Việt Nam. Ngoài rất nhiều ý kiến phê phán cách tham gia giao thông của người Việt, cũng có một vài ý kiến cho thấy niềm tin về một văn hóa giao thông văn minh ở Việt Nam trong tương lai gần.
Hằng ngày đi về ngang qua một trong những điểm nóng về ùn ứ giao thông của TP HCM (khu vực đường Cộng Hòa vòng xoay lăng Cha Cả và lối vào sân bay Tân Sơn Nhất), tôi nhận định giao thông tại TP HCM thực sự không đến nỗi tệ nếu người tham gia giao thông có ý thức hơn khi tham gia giao thông.
>> 'Đất nước không thể phát triển nếu nhiều người dân chỉ muốn tiện cho mình'
Khi vào giờ cao điểm, xe ô tô, taxi, xe buýt lấn vào làn xe máy buộc xe máy phải len vào làn xe ôtô hoặc leo lên vỉa hè, chen chúc nhau vượt lên dẫn đến ùn ứ ở các nút giao. Dường như khi ra đường, đặc biệt là giờ cao điểm, cả thảy mọi người ai cũng đánh mất cái văn hóa cái ý thức của một người dân thành thị.
Có lần tôi đi trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn từ Pasteur tới Phạm Ngọc Thạch trong giờ tan tầm, đoạn đường ùn tắc và hàng chục xe máy leo lề để vượt lên trên phía trước như hầu hết các con đường ở TP HCM. Bất ngờ ngay gần phía ngã tư Phạm Ngọc Thạch có một anh thanh niên trẻ người nước ngoài đứng chặn lại và buộc các xe máy phải chạy xuống đường, nhường đường cho người đi bộ.
Anh chàng thanh niên tỏ ra rất tức giận, liên tục hò la giục các xe máy phải nhường đường cho người đi bộ trong đó có nhiều người Việt đang khép nép đứng chờ. Hành động của chàng thanh niên ngoại quốc khiến nhiều người đi đường không khỏi bất ngờ, bối rối. Một hành động khá lạ lẫm ở một nơi mà người dân quá quen với cảnh xe máy có thể "leo" bất cứ nơi nào miễn là nơi đó không có cảnh sát giao thông.
>> Cấm xe máy - 'cãi nhau hoài, làm liền đi'
Trong cuốn "The Outliers" của Malcolm Gladwell ông có đề cập đến "văn hóa trọng danh dự" (culture of honor) của người phương Tây đặc biệt là người Mỹ. Văn hóa trọng danh dự là nét văn hóa đặc trưng của người miền nam nước Mỹ, những người di cư đến từ nước Anh. Những người có văn hóa trọng danh dự là những người vì danh dự sẽ tuyệt nhiên không xâm phạm đến quyền lợi của người khác, nhưng cũng vì danh dự họ sẽ chiến đấu tới cùng nếu người khác xâm phạm quyền lợi của mình.
Theo Malcolm, người Châu Á có văn hóa trọng danh dự thấp hơn người phương Tây xuất phát từ lối sống, tập quán và văn hóa nuôi trồng khác nhau. Nhật Bản là dân tộc được đánh giá có văn hóa trọng danh dự cao ở Châu Á, điều này dễ nhận thấy ở văn hóa xếp hàng ngăn nắp dù mới xảy ra động đất sóng thần, mua hàng tự thanh toán trong cửa hiệu không có người bán, nhặt rác tại sân vận động sau khi xem thể thao...
>> Không mạnh dạn hy sinh, con cháu sau này vẫn khổ cực vì xe máy
Vỉa hè là quyền lợi của người đi bộ chứ không phải là nơi cho xe chạy, để xe hoặc bán hàng rong, nếu người khác cho xe chạy trên vỉa hè hoặc xâm phạm vỉa hè có nghĩa là họ đã bất chấp danh dự xâm phạm quyền lợi của bạn (người đi bộ), và tất nhiên bạn phải phản kháng khi quyền lợi của bạn bị xâm phạm nếu bạn có văn hóa trọng danh dự như chàng thanh niên ngoại quốc kia.
Vượt đèn đỏ là nguyên nhân hàng đầu gây kẹt xe ở các giao lộ vậy mà rất nhiều người chỉ vì tranh thủ vài giây cố vượt đèn vàng, đèn đỏ gây tai nạn, kẹt xe xâm phạm đến quyền lợi của những người tham gia giao thông đúng luật. Tôi cho rằng những người này là những kẻ không có danh dự. Không đáng được tôn trọng
Làn xe phía bên trái (theo giao thông Việt Nam) là làn của xe chạy chiều ngược lại, nhưng vào giờ cao điểm khi có đèn đỏ hoặc ùn ứ phía trước là xe máy, ôtô bất chấp danh dự tranh thủ vượt lên lấn làn biến còn đường thành đường một chiều và tất nhiên sẽ xảy ra cảnh kẹt xe không lối thoát.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> Cha mẹ Việt nên đẩy con 'ra đường' làm thêm từ lúc còn đi học
>> Chừng nào còn làm may mặc, lắp ráp công nhân Việt còn nghèo
>> Chạy xe ôm công nghệ, thanh niên bị 'cướp mất' sức khoẻ và thanh xuân
Đó chỉ là hai trong hàng ngàn trường hợp tham gia giao thông bất chấp luật lệ và danh dự trên đường phố của người Việt. Thành phố càng ngày càng trở nên chật chội, xe cộ ngày càng nhiều và tình trạng ách tắc giao thông tại các tuyến đường chính ngày càng nghiêm trọng nhưng dường như mọi người dân đều cảm thấy vô can trong tình trạng giao thông ùn ứ và hỗn loạn trên các con phố
Tham gia giao thông đúng luật lệ chính là thể hiện sự văn minh cũng chính là tôn trọng danh dự bản thân. Nếu chúng ta giáo dục được văn hóa trọng danh dự cho thế hệ trẻ thì thực sự là điều rất tốt cho xã hội không chỉ trong văn hóa giao thông mà còn nhiều lãnh vực khác trong cuộc sống như tôn trọng của công và tài sản của người khác.
Mong sao TP HCM và cả Việt Nam có thật nhiều những con người tham gia giao thông "có văn hóa trọng danh dự".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.