Trả lời:
Trị mụn bằng lăn kim không phải ai cũng hết mà tùy theo cơ địa, tình trạng da của từng người và khi điều trị cần chế độ chăm sóc rất nghiêm ngặt. Bạn nên đến các cơ sở da liễu uy tín để bác sĩ khám và tư vấn chi tiết phương pháp điều trị thích hợp nhất cho da của bạn.
Lăn kim không nên thực hiện khi người bị viêm da cơ địa, trứng cá đỏ, vảy nến, dày sừng ánh sáng, mụn lồi có cuống, mụn cóc, mụn trứng cá ở giai đoạn hoạt động, sẹo lồi, vết thương hở, vùng cần điều trị đang có tình trạng nhiễm trùng như nhiễm HSV (Herpes simplex virus), nhiễm nấm, nhiễm khuẩn. Lăn kim có thể làm lan rộng và nặng thêm những tình trạng này.
Ngoài ra, người có bệnh lý đái tháo đường, rối loạn đông máu hay đang dùng thuốc kháng đông, bệnh lý mạch máu collagen, xơ cứng bì cũng nên xem xét cẩn thận trước khi thực hiện thủ thuật này.
Nếu lăn kim không đúng cách sẽ có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, viêm da tiếp xúc dị ứng khi sử dụng các chất không rõ nguồn gốc hay có thành phần dễ gây kích ứng, dị ứng da, có thể để lại sẹo, rối loạn sắc tố nếu điều chỉnh độ sâu lăn kim cho vùng điều trị không thích hợp hoặc lạm dụng trong một thời gian ngắn.
Lăn kim là một trong những phương pháp xâm lấn tối thiểu cải thiện các rối loạn về da với hiệu quả ở một chừng mực. Dụng cụ có đầu kim lăn gồm nhiều kim nhỏ thường có đường kính 0,1-0,25 mm và dài 0,25-2,5 mm. Sau khi gây tê tại chỗ, sau đó thiết bị được áp lên da từ 15 đến 20 lần trên vùng điều trị.
Bác sĩ Lê Thái Vân Thanh
Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược