Thời gian gần đây nhiều vụ mua bán, trao đổi hoa lan với số tiền lên tới hàng tỷ đồng diễn ra rất phô trương và công khai rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội.
Việc xuất hiện một số "gương" làm giàu nhanh chóng từ hoa lan đã tạo thành trào lưu, khiến nhiều người rủ nhau đầu tư, thậm chí là góp vốn để tham gia. Các hoạt động giao dịch, mua bán, chuyển nhượng này chưa có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng cũng như không hề có sự bảo đảm, chứng nhận hợp pháp, dễ phát sinh lừa đảo, mâu thuẫn, tranh chấp sau giao dịch. Đây là một hiện tượng xã hội cần nhìn nhận thận trọng và tỉnh táo.
Mấy năm gần đây đã có những loại hình kêu gọi người đầu tư bỏ ra số tiền lớn như tiền ảo. Độ ba năm trước, một người bạn trong nhóm bạn thân chơi chung lâu năm, rủ chúng tôi tham gia đầu tư vào một loại tiền ảo mà anh cho sẽ là xu thế của thời đại và chắc chắn sẽ sinh lời rất cao trong tương lai. Chỉ cần đầu tư vài chục tới một trăm triệu đồng chẳng mấy chốc sẽ mua được nhà lầu, xe hơi, tiền bạc rủng rỉnh. Những ai không biết chơi chỉ cần đưa tiền cho anh và anh sẽ đầu tư giúp, chỉ cần vài tháng sẽ thu hồi vốn và thậm chí còn thu được lợi nhuận rất cao gấp hàng chục lần lãi suất ngân hàng.
Tuy nhiên không một ai trong nhóm chúng tôi tham gia đầu tư với anh thì chúng tôi liên tục bị anh "mắng" là không theo kịp thời đại, không có chí tiến thủ, làm công ăn lương chỉ có nghèo cả đời... Bẵng đi một thời gian khi có tin một người là chủ tịch một sàn tiền ảo ở TPHCM bỏ trốn thì cũng là lúc anh này quay lại nhắn tin gọi điện cho chúng tôi để mượn tiền trả nợ. Anh thú thật là đã vay mượn trên một tỷ đồng để đầu tư vào tiền ảo, trong đó không ít là tiền vay của xã hội đen. Trong nhóm bạn cũng có vài người cho anh vay vài chục triệu để trả nợ nhưng cũng chỉ là muối bỏ bể. Cuối cùng anh đã phải bỏ trốn để lánh nợ.
Tôi may mắn cũng được học ít kiến thức về kinh tế nên cũng biết ít nhiều về các chiêu trò lừa đảo phổ biến trong kinh doanh. Trong các sách kinh tế của phương Tây họ nói nhiều về hai hình thức lừa đảo phổ biến là mô hình Ponzi (Ponzi Scheme) và mô hình Kim tự tháp (Pyramid Scheme hay chúng ta còn gọi là đa cấp). Mô hình Ponzi là phương thức lừa đảo nhà đầu tư bằng những lời hứa về chi trả lợi nhuận cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng nhưng thực chất là dùng tiền người sau trả tiền người trước. Còn mô hình kim tự tháp là mô hình kinh doanh mà người tham gia vào hệ thống được hứa sẽ được chi trả tiền, sản phẩm hoặc dịch vụ tương ứng với số người mà họ chiêu mộ thêm vào hệ thống, chiêu mộ được càng nhiều thành viên thì họ càng có nhiều tiền. Và tất nhiên các thành viên mới phải tốn một khoản đầu tư ban đầu để vào được hệ thống, đầu tư càng nhiều thì cấp bậc (level) trong hệ thống của họ càng cao.
>> Đa cấp cà phê: Lãi suất vô lý 340% sao vẫn nhiều người Việt bị lừa?
Cả hai mô hình này tồn tại và phát triển dựa trên việc chiêu mộ các thành viên mới, và một khi không còn người mới tham gia thì mô hình ngay lập tức bị sụp đổ. Đó là lý do các mô hình kinh doanh lừa đảo bị lật tẩy chúng ta thấy họ có rất nhiều thành viên tham gia. Có những vụ lừa đảo có hàng chục, thậm chí cả hàng trăm ngàn người tham gia và số tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng.
Một dạng lừa đảo trong kinh doanh cũng khá phổ biến ở nước ta hiện nay là kiểu dùng những lời đồn thổi để bán các mặt hàng có giá trị thấp (hoặc không có giá trị) với giá rất cao, đây là kiểu người xưa hay gọi là dùng mỡ nó rán nó. Hình thức kinh doanh này các gian thương sẽ tìm mua một số sản phẩm với giá cao và đồn thổi về giá trị của chúng, và khi giá bị đẩy giá lên rất cao thì những gian thương này lại chính là người đem chúng bán ngược lại thị trường.
Kiểu lừa đảo này có rất nhiều những minh chứng rất rõ ràng như việc các gian thương đội lốt nhà đầu tư đồn thổi về một dự án cầu đường, khu công nghiệp ở một vùng hẻo lánh nào đó để bán đất nền với giá rất cao xong tháo chạy, việc lùng mua gỗ sưa, bàn ủi con gà, lá điều khô... Và sự kiện cũng đang rất nóng hiện nay là những thương vụ mua bán lan đột biến giá tiền tỷ.
>>Alibaba biến tướng mô hình đa cấp Ponzi để huy động 2.500 tỷ đồng
Với cùng một chiêu thức thổi giá, ban đầu sẽ có vài tay chơi tung tin trên mạng xã hội, các diễn đàn những giao dịch mua bán lan hàng tỷ thậm chí vài chục tỷ đồng để tạo tiếng vang, họ còn live stream các giao dịch với cả núi tiền để tạo sự tin tưởng của mọi người. Một khi đã có được sự quan tâm của xã hội, những người này bắt đầu rao bán các mầm cây (kei) này với giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng cho mỗi mầm tùy theo độ ngắn dài của mầm để các nhà đầu tư thứ cấp mua về trồng để nuôi mộng làm giàu. Lan (cho dù là lan đột biến) là một loại hoa không quá khó để nhân giống dẫn đến thị trường nhanh chóng bị bão hòa, những "nhà đầu tư" thứ cấp ôm trái đắng vì bỏ ra hàng tỷ đồng để mua giống và đầu tư nhà vườn nhưng lại không tìm được đầu ra.
Trên thế giới có nhiều thứ được các nhà sưu tập mua tại các buổi đấu giá với một cái giá rất cao (đến mức không thể hiểu nổi) như bức tranh "Salvator Mundi" của Leonardo da Vinci có giá lên đến 450 triệu đô la Mỹ (khoảng 10.000 tỷ đồng), chai rượu whisky Maccalan giá 1 triệu đô la Mỹ (hơn 23 tỷ), hay là một cây tùng bonsai cổ thụ hơn 300 năm tuổi của Nhật Bản được mua với giá 1,3 triệu đô la Mỹ. Những thứ này được giao dịch với mức giá cao đến vậy thì ngoài giá trị lịch sử và nghệ thuật chúng còn có tính độc nhất vô nhị, không thể nhân bản. Tôi từng thấy hoa của lan (được cho là) đột biến, chúng cũng đẹp nhưng tôi không nghĩ chúng có thể có giá đến vài tỷ cho một giò (chậu) lan như vậy, có chăng chỉ là chiêu trò thổi giá của những kẻ lừa đảo.
Bài viết cùng tác giả:
>> Trường nên để phụ huynh đóng học phí qua mạng
>>Cha mẹ Việt nên đẩy con 'ra đường' làm thêm từ lúc còn đi học
Thực sự, tôi cho rằng rất khó để nói hết các chiêu trò lừa đảo trong kinh doanh hiện nay trong vài trang giấy. Và sự thật là hiện nay các quốc gia trên thế giới cũng rất khó để ngăn chặn những hành vi kinh doanh lừa đảo này vì chúng biến tướng rất nhanh để tránh các quy phạm pháp luật, và vì đa phần các giao dịch (lừa đảo) là giao dịch dân sự nên cũng rất khó để xử lý hình sự và đòi lại tiền đã mất.
Do đó để tránh sập vào những bẫy của những kẻ lừa đảo mỗi người trong chúng ta cần tỉnh táo, đừng quá tham lam để tin vào những khoản lợi nhuận hão huyền. Nên nhớ không có bữa ăn nào là miễn phí, tiền bạc và của cải chỉ có được từ mồ hôi và công sức lao động của chúng ta.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Henry Nguyễn